Tuy nhiên, các nhà khoa học cảnh báo, “chúng ta còn một chặng đường dài phía trước” trong vấn đề chia sẻ thông tin và nguồn lực giữa các quốc gia, và đại dịch nên là bài học kinh nghiệm để hợp tác và triển khai tốt hơn, Channel News Asia thông tin.
Có thể làm gì để ứng phó tốt hơn?
Ba năm sau khi Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) tuyên bố COVID-19 là đại dịch toàn cầu vào ngày 11.3.2020, các quốc gia đã dần chuyển sang giai đoạn dịch lưu hành (endemic).
Bác sĩ Amesh Adalja - bác sĩ về bệnh truyền nhiễm tại Trung tâm An ninh Y tế Johns Hopkins - cho biết: “Nhìn chung, chúng ta đang ở vị trí rất tốt khi dân số thế giới được tiếp cận nhiều với vaccine và đã phát triển khả năng miễn dịch”.
“Chúng ta đã có thể giảm bớt những lo ngại về năng lực của bệnh viện nhờ khoa học và công nghệ. Những ngày xưa tồi tệ khi chúng ta không có công cụ và khả năng miễn dịch có thể đã là dĩ vãng" - ông nói.
Cho đến nay, hơn 750 triệu người đã bị mắc COVID-19 và gần 7 triệu người đã chết, theo theo dõi của WHO. Khoảng 72,4% dân số toàn cầu – hơn 5,5 tỉ người – đã được tiêm ít nhất một liều vaccine.
Trong khi ca ngợi tiến bộ công nghệ và y tế giúp phát triển vaccine COVID-19, bộ dụng cụ xét nghiệm và các nhu yếu phẩm khác một cách nhanh chóng, các chuyên gia lại chưa hài lòng về việc thiếu sự hợp tác và từ thiện ở cấp chính phủ giữa các quốc gia.
Phó giáo sư Sanjaya Senanayake của Trường Y Đại học Quốc gia Australia cho biết: “Tôi không nghĩ rằng chúng ta sẽ có vaccine trong vòng 1 năm đại dịch. Bởi thế, công nghệ thật tuyệt vời, giúp tạo ra vaccine và bộ dụng cụ xét nghiệm để xác định ca bệnh nhanh chóng. Tuy nhiên, việc phân bổ chúng lại là điều khá ảm đạm".
Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra sự chênh lệch lớn giữa các nước giàu và các nước đang phát triển về khả năng tiếp cận vaccine cũng như những nguồn lực khác.
Theo Frontiers, các quốc gia có thu nhập cao có tỉ lệ tiêm chủng từ 75 đến 80% trong năm đầu tiên vaccine được cung cấp, trong khi các quốc gia có thu nhập thấp có tỉ lệ trung bình dưới 10%.
Bác sĩ Adalja nói rằng, có thể ngăn chặn được nhiều ca tử vong hơn nếu giới chức chuẩn bị và triển khai các biện pháp tốt hơn. Ông chỉ ra, khi trường hợp khẩn cấp về bệnh truyền nhiễm tiếp theo xảy ra, cần phải có thông tin liên lạc tốt về sức khỏe cộng đồng và phải chủ động để các nhà hoạch định chính sách có những công cụ tốt nhất.
Chống đại dịch trong tương lai
“Bài học lớn nhất mà chúng ta cần rút ra từ đại dịch này là: Một đại dịch lớn xảy ra gần đây nhất cách ngày nay 100 năm - cúm Tây Ban Nha - không có nghĩa là đại dịch tiếp theo sẽ không đến" - Phó giáo sư Senanayake nói.
Do đó, việc tìm ra nguồn gốc của COVID-19 là rất quan trọng để thế giới có thể biết cách thức chuẩn bị, bác sĩ Adalja lưu ý. “Nếu đây là sự kiện lây lan từ động vật, chúng ta cần hiểu con vật đó là gì và chúng ta có thể phải điều chỉnh hành vi của mình đối với con vật đó" - ông nói.
Các chuyên gia y tế cũng dự kiến COVID-19 sẽ không bị tiêu diệt. Thay vào đó, các biến thể của virus sẽ tiếp tục phát triển như các loại virus đường hô hấp khác nhưng với tốc độ thấp hơn và ít gây bệnh nghiêm trọng hơn.
Bác sĩ Adalja nhấn mạnh, COVID-19 sẽ ngày càng dễ kiểm soát hơn khi khoa học và y học phát triển, nhưng những người có nguy cơ mắc bệnh cao hơn nên củng cố khả năng miễn dịch thông qua tiêm chủng.
Các chuyên gia cho rằng, vấn đề không phải là bằng cách nào, mà là khi nào, đại dịch tiếp theo xảy ra và bác sĩ Adalja tin rằng đó có thể là một loại virus có nguồn gốc từ gia cầm.
“Chúng ta phải chủ động. Chúng ta phải bắt đầu nghĩ về vaccine, thuốc kháng virus và xét nghiệm cúm vì đó không phải là điều đáng nghi ngờ, chúng ta sẽ chứng kiến một đợt đại dịch cúm khác" - ông nói.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới từng chỉ ra, dân số toàn cầu ngày càng tăng và quá trình đô thị hóa lan rộng là những yếu tố góp phần làm tăng nguy cơ mắc các bệnh lây truyền từ động vật sang người trong khi các nhà khoa học cảnh báo những sông băng tan chảy do biến đổi khí hậu có thể giải phóng virus và vi khuẩn.