Vương quốc Anh
Thoạt tiên, cuộc khủng hoảng chi phí sinh hoạt của Vương quốc Anh có vẻ khá nhẹ so với các quốc gia khác. Tỉ lệ lạm phát là 10,7% vào tháng 11.2022, so với 12,6% ở Italia, 16% ở Ba Lan và hơn 20% ở Hungary và Estonia. Nhưng Ngân hàng Trung ương Anh dự kiến có cuộc suy thoái ở Anh trong năm nay và có thể kéo dài đến giữa năm 2024. Lạm phát cao đã buộc Ngân hàng Trung ương Anh phải tăng lãi suất lên 3,5% vào tháng 12.2022, với dự kiến tăng nhiều hơn nữa vào năm 2023.
Mỹ
Lạm phát tăng đáng kể ở Mỹ vào cuối năm 2021 và đầu năm 2022, đạt mức cao hơn bất kỳ thời điểm nào trong 40 năm qua. Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã phản ứng bằng cách tăng mạnh lãi suất 7 lần kể từ tháng 3.2022 trong nỗ lực ổn định giá cả.
Fed hiện ra tín hiệu sẽ tiếp tục tăng lãi suất trong đầu năm 2023 trước khi tạm dừng. Đây là cách tiếp cận thận trọng liên quan tới nhiều dữ liệu kinh tế. Điều này một phần là do thị trường lao động ở Mỹ tiếp tục mạnh lên khi tỉ lệ thất nghiệp vẫn ở mức thấp, tiền lương chưa được điều chỉnh theo lạm phát và khoảng 10 triệu việc làm vẫn đang cần nhân sự.
Australia và New Zealand
Tỉ lệ lạm phát hàng năm của Australia vào đầu năm 2022 ở mức 3,5% nhưng đã tăng vọt lên 5,1% vào tháng 3 khi xung đột Nga – Ukraina bùng phát và đạt 7,3% trong năm tính đến tháng 9.2022.
Nước láng giềng của Australia là New Zealand cũng trải qua diễn biến tương tự, với tỉ lệ lạm phát cũng lên tới 7,3% và từ đó giảm xuống còn 7,2%. Tuy nhiên, phản ứng của 2 nước có khác biệt đáng kể.
Trong khi Ngân hàng Dự trữ Australia tăng lãi suất theo 8 bước nhỏ hàng tháng kể từ tháng 5, bằng 0,25 hoặc 0,5 điểm, thì Ngân hàng Dự trữ New Zealand bắt đầu tăng lãi suất sớm hơn và mạnh mẽ hơn nhiều – bao gồm cả đợt tăng 0,75 điểm gần đây.
Pháp
Pháp dường như có sức chống chịu lạm phát kiên cường hơn các nước láng giềng. Vào tháng 12.2022, tỉ lệ lạm phát của nước này (được đo bằng chỉ số giá tiêu dùng) là 6,1%, so với 10% ở Đức, 11,8% ở Italia và 9,3% ở Anh.
Thách thức chính mà các quốc gia phải đối mặt và là yếu tố góp phần gây ra lạm phát - thậm chí là lạm phát đình trệ (sự kết hợp giữa lạm phát và tăng trưởng kinh tế thấp) - là giá năng lượng tăng mạnh trong những năm gần đây.
Trước sự gia tăng này, tổng ngân sách nhà nước của Pháp dành cho việc giảm hóa đơn năng lượng hộ gia đình dự kiến đạt ít nhất 75 tỉ euro trong giai đoạn 2022 đến 2023, thông qua các kế hoạch bao gồm voucher năng lượng và lá chắn thuế quan.
Những động thái này giúp tỉ lệ lạm phát ở Pháp thấp hơn nhiều so với hầu hết các nền kinh tế Châu Âu. Ngoài ra, Pháp ít phụ thuộc vào các sản phẩm nhiên liệu hóa thạch và do đó ít bị ảnh hưởng bởi biến động giá năng lượng.
Indonesia
Dù lạm phát tương đối thấp so với các quốc gia khác, nhưng lạm phát chung của Indonesia đã tăng lên mức cao nhất trong 7 năm, đạt gần 6% vào tháng 9.2022. Giá lương thực và nhiên liệu được trợ cấp tăng cao là nguyên nhân dẫn đến điều này.
Đầu năm 2022, Indonesia, nhà sản xuất dầu cọ thô lớn nhất thế giới đã phải vật lộn để kiểm soát giá dầu ăn. Nhìn chung, giá các mặt hàng thiết yếu - từ gạo đến gia vị - cũng tăng do mất mùa. Ngoài ra, xung đột Nga – Ukraina góp phần làm tăng giá lương thực, đặc biệt là thức ăn cho gia súc, ảnh hưởng đến ngành chăn nuôi. Chính phủ quyết định tăng giá nhiên liệu thêm 30% vào tháng 9.2022 đã giáng thêm một đòn mạnh vào tỉ lệ lạm phát của đất nước.
Lạm phát đã làm tăng chi phí sinh hoạt bởi không đi kèm với việc tăng lương thích hợp. Năm 2022, lương tối thiểu của Indonesia chỉ tăng 1,09% - mức thấp nhất từng được ghi nhận. Trong khi đó, lạm phát hàng năm chạm mức 5,51%, điều đó có nghĩa là sức mua của những người có thu nhập thấp hơn đã giảm 4,42%.
Cơ hội việc làm thậm chí còn hạn chế hơn trong bối cảnh tỉ lệ lạm phát cao. Các công ty sản xuất định hướng xuất khẩu đã bắt đầu sa thải hàng loạt. Các công ty khởi nghiệp kỹ thuật số, niềm hy vọng của những người trẻ tuổi trong đại dịch, cũng cắt giảm nhân viên.
Đồng thời, có 4 triệu lao động mới đã tham gia thị trường lao động từ tháng 8.2021 đến năm 2022, trong khi Indonesia đã có tỉ lệ thất nghiệp ở thanh niên là 16% - mức tương đối cao ở Đông Nam Á.
Trong khi đó, để kiềm chế lạm phát, ngân hàng trung ương đã tăng lãi suất thêm 2% từ tháng 7 đến tháng 12.2022, khiến lãi suất cho vay tăng.
Canada
Giống như hầu hết các quốc gia khác trên thế giới, lạm phát và chi phí sinh hoạt vẫn là mối quan tâm lớn đối với người Canada vào năm 2023.
Người Canada chi tiêu ít hơn cho việc đi du lịch trong kỳ nghỉ lễ vì những lo ngại này. Dù giá khí đốt thấp hơn đã giúp giảm bớt phần nào so với cùng kỳ, nhưng giá tại các trạm bơm vẫn tăng cao kỷ lục vào năm 2022. Một số chuyên gia dự đoán giá năng lượng sẽ tăng trở lại vào năm 2023.
Giá hàng tạp hóa cũng là một vấn đề nghiêm trọng đối với người Canada và chi phí hàng tạp hóa có thể tăng thêm tới 7% vào năm 2023. Đã có lo ngại về tác động của giá lương thực tăng với người dân Canada, đặc biệt là các gia đình có thu nhập thấp.
Một số báo cáo cho thấy chi phí sinh hoạt cao hơn ở Canada thậm chí còn khiến mọi người trì hoãn việc làm cha mẹ. Và một số ứng dụng hẹn hò báo cáo rằng người dùng đang tổ chức các buổi hẹn hò đơn giản và tiết kiệm bằng cách đề xuất các hoạt động thông thường hơn là những đêm hẹn hò sang chảnh.