Tháng 12.2022, chính phủ Indonesia giới thiệu thị thực "Ngôi nhà thứ hai" cho phép công dân nước ngoài có thể gửi 2 tỉ rupiah (130.799 USD) vào một trong những ngân hàng thuộc sở hữu nhà nước của Indonesia trong thời gian lưu trú lên đến một thập kỷ.
Đó là cải tiến lớn so với giấy tờ có trước đó - được gọi là thị thực 211 - dành cho du khách đến Indonesia vì những lý do khác ngoài du lịch. Thị thực 211 thường yêu cầu chủ sở hữu phải gia hạn 6 tháng một lần.
Một tháng sau, chính phủ Indonesia công bố kế hoạch giới thiệu "thị thực Vàng", nhắm vào các nhà đầu tư và cung cấp những đặc quyền tương tự như thị thực "Ngôi nhà thứ hai".
Bộ trưởng Bộ Du lịch và Kinh tế Sáng tạo Sandiaga Uno chia sẻ với The Straits Times: “Chúng tôi đang nỗ lực điều chỉnh để có thể thu hút các chuyên gia có tay nghề cao, những người có thể làm việc từ các địa điểm ở xa. Chúng tôi đã nhận được phản hồi tốt với thị thực 211 cho phép lưu trú tới 6 tháng. Thị thực Vàng sẽ gắn với thị thực Ngôi nhà thứ hai”.
Ban đầu, chính phủ Indonesia hướng tới thu hút những người du mục kỹ thuật số để thúc đẩy nhân tài và chi tiêu địa phương. Khi đại dịch COVID-19 lắng xuống, làn sóng của đội ngũ làm công việc sáng tạo như các nhà tư vấn, nhà văn, người làm việc tự do và những người lao động tri thức khác, đổ xô đến Bali – một trong những điểm đến chính ở Indonesia dành cho những người du mục kỹ thuật số – đã thúc đẩy nhu cầu về nhà ở. Cho thuê nhà theo dạng kỳ nghỉ ngắn hạn đang trở thành thị trường nóng. Có những thông tin lan truyền như chủ nhà tăng tiền thuê lên gấp 3.
“Tôi đang trả 10 triệu rupiah (653 USD) một tháng, rồi một ngày nọ, người chủ nói với tôi rằng cô ấy sẽ tăng giá lên 40 triệu rupiah (2.615 USD)" - cô Gina Manuele, một người Mỹ, cho biết.
Lượng khách nước ngoài đến Bali tăng đột biến kể từ khi chính phủ Indonesia dỡ bỏ các hạn chế nhập cảnh đưa ra từ thời kỳ đại dịch. Năm 2021, chỉ có khoảng 50 khách đến Bali, năm 2022, con số này tăng lên 4,3 triệu.
Dù không có thị thực du mục kỹ thuật số vào thời điểm đó, nhưng khoảng 50.000 người ở Bali được cho là có thị thực 211 và các giấy phép lưu trú khác cho phép kéo dài các đợt lưu trú. Ở mức 10.500 người, công dân Nga là lượng khách lớn nhất.
Những người có thị thực 211 bị nghiêm cấm làm công việc được trả lương ở Indonesia nhưng các quan chức thường nhắm mắt làm ngơ trước việc họ được các khách hàng có trụ sở ngoài Indonesia trả tiền thông qua tài khoản ngân hàng của họ ở nước ngoài.
Tuy nhiên, kể từ đầu năm 2023, các quan chức nhập cư Indonesia đã trục xuất 41 công dân nước ngoài, con số cao nhất kể từ trước đại dịch, vì vi phạm các điều khoản trong thị thực.
“Vâng, chúng tôi cần du lịch, nhưng chúng tôi cần ngành du lịch có chất lượng, nghiêm túc. Không nên có bất kỳ hành động nào làm giảm giá trị của Bali, niềm tự hào dân tộc của chúng tôi" - Thống đốc Bali Wayan Koster cho hay.
“Đây là nhà của chúng tôi. Tôi nổi tiếng với tên "Quý bà trục xuất". Quan điểm của tôi là, nếu không thể tuân theo các quy tắc và tôn trọng văn hóa của chúng tôi thì hãy rời đi" - bà Niluh Djelantik, một doanh nhân địa phương, chia sẻ. Bà Niluh Djelantik có 562.000 người theo dõi trên Instagram và một phần không nhỏ là do bà có quan điểm cứng rắn với những người nước ngoài cư xử không đúng đắn.