Nửa đêm ngày 1.1.2023, Croatia chính thức gia nhập khu vực đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) với tư cách là nước thành viên thứ 20.
Croatia đồng thời gia nhập khối Schengen - khu vực đi lại không cần hộ chiếu của Châu Âu - sau gần một thập kỷ kể từ khi gia nhập Liên minh Châu Âu (EU).
Quốc gia Balkan với khoảng 4 triệu dân chia tay đồng tiền kuna và trở thành thành viên thứ 20 của khu vực đồng tiền chung Châu Âu.
Theo tờ Al Jaazera, các chuyên gia cho rằng việc sử dụng đồng Euro sẽ giúp bảo vệ nền kinh tế Croatia vào thời điểm lạm phát tăng vọt trên toàn cầu kể từ khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Ukraina vào tháng 2 dẫn đến giá nhiên liệu và thực phẩm tăng cao.
Đây cũng sẽ là quốc gia thứ 27 trong khối Schengen không cần hộ chiếu - khu vực lớn nhất thế giới cho phép hơn 400 triệu người di chuyển tự do quanh các quốc gia thành viên.
Tuy nhiên, người Croatia có cảm xúc lẫn lộn về những thay đổi nói trên. Trong khi nhiều người hoan nghênh việc chấm dứt kiểm soát biên giới, một số lo lắng về việc chuyển đổi tiền tệ, các nhóm đối lập cánh hữu cho rằng điều đó chỉ có lợi cho các nước lớn như Đức và Pháp.
Drazen Golemac - một người hưu trí 63 tuổi đến từ thủ đô Zagreb của Croatia - cho biết: “Chúng tôi sẽ khóc vì đồng kuna của mình, giá sẽ tăng cao".
Vợ ông, Sandra, không đồng ý, nói rằng “đồng Euro có giá trị hơn”.
Một người khác có tên Neven Banic cho hay, “không có gì thay đổi vào ngày 1.1, dù sao thì tất cả đều được tính bằng đồng Euro trong hai thập kỷ qua”.
Các quan chức Croatia bảo vệ các quyết định gia nhập khu vực đồng Euro và Schengen. Thủ tướng Andrej Plenkovic nhấn mạnh, đây là “hai mục tiêu chiến lược của hội nhập EU sâu hơn”.
Croatia - nước cộng hòa thuộc Nam Tư cũ từng tham gia cuộc chiến tranh giành độc lập vào những năm 1990 - đã gia nhập EU vào năm 2013.
Đồng Euro kể từ đó đã hiện diện phần lớn ở nước này. Khoảng 80% tiền gửi ngân hàng được tính bằng đồng Euro và các đối tác thương mại chính của Zagreb cũng nằm trong khu vực đồng Euro.
Người Croatia từ lâu đã định giá những tài sản lớn nhất như ôtô và căn hộ bằng đồng Euro. “Đồng Euro chắc chắn mang lại sự ổn định và an toàn kinh tế” - Ana Sabic của Ngân hàng Quốc gia Croatia (HNB) nói với hãng tin AFP.
Tỉ lệ lạm phát của Croatia ở mức 13,5% trong tháng 11.
Quốc gia Balkan đang gia nhập khu vực đồng Euro vào thời điểm mà chính khối này đang rơi vào tình trạng hỗn loạn khi Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) cố gắng kiềm chế lạm phát sau khi dành cả thập kỷ qua để tung ra các biện pháp kích thích chưa từng có nhằm thúc đẩy tăng trưởng khi tỉ lệ này ở mức cực kỳ thấp.
Chủ tịch ECB Christine Lagarde nói với tờ Jutarnji list của Croatia: “Chúng ta cần cẩn thận để những nguyên nhân trong nước liên quan đến các biện pháp tài chính và động lực tiền lương không dẫn đến lạm phát cao”.
Bà Lagarde không đưa ra gợi ý chính sách mới nào trong cuộc phỏng vấn nhưng cho biết ECB phải “thực hiện các biện pháp cần thiết” để giảm lạm phát xuống 2% từ mức gần 10% hiện tại.
Bà Lagarde nói thêm, cuộc suy thoái tiềm tàng của EU trong mùa đông, do chi phí năng lượng tăng cao, có thể sẽ ngắn và không tồi tệ, miễn là không có thêm cú sốc nào.
Việc Croatia gia nhập khu vực không biên giới Schengen cũng sẽ thúc đẩy ngành du lịch trọng điểm của quốc gia này, ngành chiếm 20% GDP.
Tuy nhiên, việc kiểm soát biên giới sẽ chỉ kết thúc vào ngày 26.3 tại các sân bay do những vấn đề kỹ thuật.
Croatia vẫn sẽ áp dụng các biện pháp kiểm soát biên giới nghiêm ngặt ở biên giới phía đông với các nước láng giềng ngoài EU là Bosnia và Herzegovina, Montenegro và Serbia.
Cuộc chiến chống di cư bất hợp pháp vẫn là thách thức chính trong việc bảo vệ biên giới đất liền dài nhất của EU - 1.350km.