Việc gia nhập khối Schengen sẽ mang lại lợi ích kinh tế cho 3 quốc gia này. Khối Schengen là khu vực đi lại tự do lớn nhất thế giới bao gồm 26 quốc gia - 22 quốc gia EU cùng với Iceland, Liechtenstein, Na Uy và Thụy Sĩ.
Gần 1,7 triệu người sống ở một quốc gia thuộc khối Schengen và làm việc ở một quốc gia khác. Khoảng 3,5 triệu người đi lại qua biên giới nội bộ mỗi ngày.
Bulgaria và Romania gia nhập EU năm 2007, Croatia gia nhập EU năm 2013. Việc 3 thành viên mới nhất của EU có được gia nhập khối Schengen hay không cần có sự nhất trí từ các đối tác và sự phản đối vẫn được đưa ra trước thềm cuộc họp của các bộ trưởng nội vụ ở Brussels, AP thông tin ngày 8.12.
Hiện Bulgaria, Romania và Croatia đã tuân thủ một phần bộ quy tắc Schengen nhưng các biện pháp kiểm soát biên giới nội bộ vẫn chưa được dỡ bỏ. Việc chưa để 3 nước này gia nhập khối là bởi từ lâu các đối tác lo ngại về vấn đề tội phạm có tổ chức, di cư trái phép và các mối lo ngại an ninh khác.
Tháng trước, cơ quan hành pháp của EU, Ủy ban Châu Âu, phán quyết cả 3 ba quốc gia ứng viên đều đáp ứng các tiêu chí kỹ thuật để gia nhập và Nghị viện Châu Âu cũng đã bỏ phiếu ủng hộ tư cách thành viên của 3 nước này.
Nhưng một kết quả tích cực cho cả 3 quốc gia là không chắc chắn. Áo gần như chắc chắn sẽ phủ quyết để Bulgaria và Romania gia nhập khối Schengen vì vấn đề nhập cư trong bối cảnh ngày càng có nhiều người vượt biên trái phép qua khu vực Balkan. Trong khi đó, việc Croatia gia nhập Schengen không gặp bất kỳ sự phản đối đáng chú ý nào từ các đối tác EU.
AP cho hay, giới chức Áo lo ngại bãi bỏ kiểm tra biên giới nội bộ có thể khiến Bulgaria và Romania trở thành con đường thông thoáng cho những người xin tị nạn. Các nghị sĩ cánh hữu của đảng Dân chủ Thụy Điển cũng phản đối tư cách thành viên Schengen của 3 quốc gia kể trên với lý do lo ngại tương tự.
Thủ tướng Romania Nicolae Ciuca thông báo đã có “các cuộc họp ở cấp cao nhất” với Áo trong nỗ lực xoa dịu những lo ngại.