Tổng thống Syria Bashar Assad nói với RT rằng Damascus ủng hộ chiến dịch quân sự của Nga ở Ukraina cả vì lòng trung thành và cả vì cam kết hướng tới “sự cân bằng quốc tế”.
Trong vòng vài giờ sau khi Nga phát động chiến dịch quân sự vào Ukraina ngày 24.2, Tổng thống Vladimir Putin đã nhận điện thoại của Tổng thống Bashar al-Assad, trong đó nhà lãnh đạo Syria "nhấn mạnh rằng Syria sát cánh cùng Liên bang Nga, dựa trên niềm tin về lập trường đúng đắn" - theo thông báo về cuộc điện đàm từ Damascus.
Ông Assad nói với RT: “Chúng tôi có thể nhìn Nga từ hai khía cạnh. Trước hết là của một đồng minh: Nếu đồng minh của chúng tôi chiến thắng trong trận chiến, hoặc nếu vị thế chính trị của họ được củng cố… thì đây cũng là một chiến thắng cho chúng tôi. Từ góc độ thứ hai, sức mạnh của Nga ngày nay cấu thành sự khôi phục trạng thái cân bằng quốc tế - mặc dù một phần".
Ông Assad là đồng minh trung thành của ông Putin kể từ năm 2015, khi Nga tiến hành chiến dịch quân sự ở Syria nhằm đánh bại tổ chức Nhà nước Hồi giáo tự xưng IS và các lực lượng do phương Tây hậu thuẫn chống lại chính quyền của Tổng thống Assad.
Đối với tổng thống Syria, cuộc chiến hiện tại của Nga với phương Tây - được Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov mô tả là “cuộc chiến ủy nhiệm” - sẽ tiếp tục chừng nào đồng USD vẫn là đồng tiền dự trữ của thế giới.
Ông Assad giải thích: “Nếu đồng USD tiếp tục chi phối nền kinh tế thế giới, sẽ không có gì thay đổi, bất kể kết quả của cuộc chiến ở Ukraina. Tổng thống Syria cho rằng quyết định của chính quyền Nixon nhằm tách giá trị của đồng USD khỏi giá trị của vàng vào những năm 1970 đã khiến nó trở thành “một tờ giấy vô giá trị”.
“Chừng nào đồng USD còn là một loại tiền tệ toàn cầu và tiếp tục được thanh toán thông qua các ngân hàng của Mỹ hoặc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ, thì bạn vẫn ở dưới quyền của đồng USD này; và do đó tương lai của bạn với tư cách là một quốc gia, một xã hội, hay một nền kinh tế, vẫn phụ thuộc vào ân huệ của Mỹ” - ông Assad tuyên bố.
Tuy nhiên, theo nhà lãnh đạo Syria, giữa sự trỗi dậy của Trung Quốc và Nga, cán cân quyền lực đang dịch chuyển khỏi Mỹ.
“Đúng, chúng tôi đang chịu các lệnh trừng phạt, nhưng nhiều nhu cầu cơ bản của chúng tôi không thể mua được từ các nước phương Tây, chúng tôi đã cắt đứt quan hệ với họ. Mọi quốc gia hiện có thể đảm bảo các yêu cầu sinh kế và tăng trưởng cơ bản của mình mà không cần sự cho phép của Mỹ” - ông Assad nói.
Kể từ khi Nga trở thành quốc gia bị trừng phạt nhiều nhất trên thế giới, thương mại giữa Nga và các nước từ chối tham gia chế độ trừng phạt của phương Tây đã phát triển mạnh mẽ. Thương mại đồng rúp - nhân dân tệ đã tăng hơn 1.000% trong ba tháng qua, trong khi xuất khẩu dầu của Nga sang Ấn Độ đã tăng gấp 25 lần trong khoảng thời gian từ tháng 5.2021 đến tháng 5.2022. Tuy nhiên, tại Syria, quốc gia vẫn bị trừng phạt nhiều thứ ba thế giới, kinh tế vẫn vô cùng khó khăn.
Trong khi Syria vẫn có các phương tiện để cung cấp cho người dân dịch vụ chăm sóc sức khỏe, giáo dục và trợ cấp miễn phí nhưng hạn chế, chính phủ của ông Assad đang phải vật lộn để kiềm chế tham nhũng. Nhà lãnh đạo Syria nói với RT rằng, sau hơn một thập kỷ nội chiến, việc tái thiết toàn diện đòi hỏi phải có đầu tư.
Về tương lai, ông Assad nói rằng Syria cuối cùng sẽ giành lại các nguồn tài nguyên dầu mỏ - hiện do lực lượng dân quân người Kurd nắm giữ với sự hậu thuẫn của Mỹ, và Damascus “sẽ không ngần ngại” bảo vệ sự toàn vẹn lãnh thổ của Syria trong bối cảnh Thổ Nhĩ Kỳ đe dọa xâm nhập vào nước này và tạo ra một "khu vực an ninh" dọc theo biên giới Thổ Nhĩ Kỳ-Syria.
Về mặt ngoại giao, ông Assad cho biết Syria sẽ nói chuyện với bất kỳ nước láng giềng Arab nào và sẽ duy trì mối quan hệ thân thiết với Iran, bất kể áp lực từ bên ngoài. Ông tuyên bố: “Mối quan hệ của Syria với các quốc gia không phải là vấn đề để mang ra thảo luận với bất kỳ ai. Không ai quyết định cho Syria có thể và không thể quan hệ với ai".