Trung Quốc mở chiến dịch đặc biệt dẹp nạn sính lễ, đám cưới xa hoa

Song Minh |

Trung Quốc tuyên bố khởi động chiến dịch đặc biệt để giải quyết các vấn nạn như đám cưới xa hoa và sính lễ quá mức.

Hoàn cầu Thời báo đưa tin, ngày 13.12, Trung Quốc đã công bố tài liệu chính sách quan trọng cho năm 2023, tuyên bố sẽ khởi động một chiến dịch đặc biệt chống lại các vấn nạn bao gồm thách cưới quá mức và các đám cưới xa hoa. Đây là một phần trong nỗ lực toàn quốc nhằm tăng cường xây dựng các tiêu chuẩn văn hóa - đạo đức công cộng ở các vùng nông thôn của đất nước.

Văn bản khuyến khích chính quyền địa phương xây dựng các quy tắc thay đổi hủ tục lạc hậu phù hợp với điều kiện của địa phương, tăng cường vai trò của hương ước, quy ước trong việc hạn chế hành vi xấu, phát huy vai trò đi đầu nêu gương của đảng viên, cán bộ.

"Bride price" (sính lễ, của hồi môn hay thách cưới) là khoản tiền, tài sản hoặc hình thức của cải khác mà nhà trai trao cho nhà gái trước lễ cưới. Đây được xem là một điều kiện tiên quyết và truyền thống quan trọng trong hôn nhân ở Trung Quốc.

Sính lễ có lịch sử lâu đời ở Trung Quốc, có thể hiểu như một món quà đính hôn, thể hiện thiện chí giữa cặp đôi và gia đình hai bên. Tuy nhiên, giá trị sính lễ đã tăng từ mức bình thường lên mức rất cao, đặc biệt là ở những khu vực nghèo hơn và bản chất của phong tục truyền thống đã thay đổi rất nhiều trong những năm qua.

Một số gia đình ở nông thôn hoặc gia đình thu nhập thấp phải dùng hết tiền tiết kiệm để con trai lấy vợ. Một số cặp vợ chồng trẻ, từng có mối quan hệ tốt đẹp, đã tan vỡ vì không thể đáp ứng yêu cầu sính lễ quá cao.

Một cặp đôi tổ chức đám cưới tại một khách sạn ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, ngày 27.11.2022. Ảnh: Xinhua
Một cặp đôi tổ chức đám cưới tại một khách sạn ở Hợp Phì, tỉnh An Huy, phía đông Trung Quốc, ngày 27.11.2022. Ảnh: Xinhua

Thời gian gần đây, nhiều tỉnh thành trên khắp Trung Quốc đã tăng cường nỗ lực kiềm chế sính lễ quá mức. Tháng 9 năm ngoái, tám cơ quan chính phủ đã cùng nhau ra thông báo nhằm giải quyết các vấn đề về của hồi môn quá cao và các lễ cưới xa hoa ở các vùng nông thôn, đồng thời đưa ra một kế hoạch hoạt động đặc biệt cho một chiến dịch toàn quốc.

Nhiều thành phố ở tỉnh Giang Tây, miền đông Trung Quốc, từ lâu đã nổi tiếng với thách cưới cắt cổ, cũng đang đẩy mạnh các chiến dịch để giải quyết vấn đề. Ngày 28.9.2022, huyện Quảng Xương ở Giang Tây đã tổ chức đám cưới tập thể cho 10 cặp đôi không cần sính lễ, quảng cáo rầm rộ lễ cưới tân tiến này. Buổi phát trực tiếp (livestream) đám cưới tập thể được hơn 40.000 người theo dõi.

Một quan chức từ Thượng Nhiêu, một thành phố khác ở Giang Tây, tiết lộ một tình huống đáng ngạc nhiên nhưng điển hình: Ở một số khu vực đô thị, sính lễ thường nằm trong khoảng 100.000 đến 150.000 nhân dân tệ (14.700 đến 22.000 USD), trong khi ở một số nơi khác ở nông thôn nghèo hơn thậm chí còn cao hơn, ở mức 188.000- 288.000 nhân dân tệ.

Quan chức này nói, của hồi môn quá cao như vậy chưa bao giờ là một phong tục hay truyền thống dân gian của Giang Tây.

Một vài năm trước, khi thu nhập và mức sống được cải thiện, người dân bắt đầu thách cưới cao hơn. Vị quan chức này cho biết thêm, việc ràng buộc hạnh phúc cả đời của nam nữ thanh niên với điều kiện vật chất là đi ngược lại truyền thống.

Theo quan chức trên, việc chấm dứt hoàn toàn hoặc buộc phải hạn chế hoàn toàn truyền thống sính lễ là không thực tế và không cần thiết, nhưng nên hạn chế tình trạng sính lễ quá mức và không thể chấp nhận được.

Các cặp đôi chụp ảnh trong đám cưới tập thể ở Thượng Hải ngày 26.9.2020. Tập đoàn Đường sắt Thượng Hải Trung Quốc đã tổ chức đám cưới tập thể cho 12 cặp đôi, những người đã hoãn đám cưới để tham gia chống COVID-19. Ảnh: Xinhua
Các cặp đôi chụp ảnh trong đám cưới tập thể ở Thượng Hải ngày 26.9.2020. Tập đoàn Đường sắt Thượng Hải Trung Quốc đã tổ chức đám cưới tập thể cho 12 cặp đôi, những người đã hoãn đám cưới để tham gia chống COVID-19. Ảnh: Xinhua

Thông qua những nỗ lực của chính phủ, vấn đề sính lễ quá mức dự kiến sẽ được giảm bớt, nhưng xét đến phong tục đã ăn sâu ở một số khu vực, Trung Quốc còn một chặng đường dài phía trước trước khi loại bỏ được của hồi môn - Zhang Yiwu, giáo sư tại Đại học Bắc Kinh, nói.

Giáo sư Zhang cho biết, điều quan trọng là phải ủng hộ mức hồi môn hợp lý hơn, nhưng hiệu quả của điều này sẽ phụ thuộc phần lớn vào sự phát triển kinh tế địa phương và suy nghĩ của người dân.

Mu Guangzong - giáo sư tại Viện Nghiên cứu Dân số thuộc Đại học Bắc Kinh - cho hay, giá trị sính lễ tăng vọt là kết quả của "chủ nghĩa vật chất thái quá" và sự chênh lệch cực độ giữa người giàu và người nghèo ngày nay.

Ngoài ra, sự mất cân bằng tỉ lệ nam nữ, đặc biệt là ở khu vực nông thôn, một phần do quan niệm thích con trai trong nhiều năm, cũng là một yếu tố khác. Ông giải thích, vì một số gia đình ở nông thôn thấy đàn ông khó lấy vợ nên họ sẽ tăng của hồi môn.

Các vấn đề xã hội như tâm lý so sánh, bảo vệ quyền lợi của phụ nữ sau khi kết hôn, bình đẳng giới và giá trị hôn nhân cũng ảnh hưởng đến của hồi môn.

Trong bối cảnh số lượng đăng ký kết hôn giảm trong những năm gần đây, bằng cách khuyến khích của hồi môn hợp lý, những người trẻ tuổi có thể sẵn sàng kết hôn hơn và đất nước có thể chứng kiến số lượng đăng ký kết hôn cao hơn, hôn nhân ổn định hơn và ít cặp vợ chồng ly hôn hơn do khó khăn về tiền bạc, theo giáo sư Mu.

Song Minh
TIN LIÊN QUAN

Mộ cổ 2.000 năm tuổi hé lộ thời phong kiến Trung Quốc

Song Minh |

Các nhà khảo cổ Trung Quốc gần đây đã phát hiện 8 ngôi mộ cổ có từ thời nhà Chu (1046-256 trước Công nguyên) tại một khu phế tích ở tỉnh Thiểm Tây.

Lý do giới trẻ Trung Quốc thờ ơ với kết hôn

Song Minh |

Giới trẻ Trung Quốc có xu hướng nghĩ rằng kết hôn không còn là điều cần thiết trong cuộc sống.

Khi Gen Z Trung Quốc là sếp, bố mẹ là nhân viên

Song Minh |

Nhiều cô cậu thuộc thế hệ gen Z ở Trung Quốc thuê bố mẹ làm nhân viên, trở thành ông/bà chủ trẻ trong gia đình.

3.700 cột điện bị gãy đổ và bữa cơm "cheo leo" giữa lưng trời

Cường Ngô |

Gần 3.000 cán bộ công nhân ngành điện đã cùng chung sức đồng lòng, nỗ lực từng giờ, từng phút để khẩn trương cấp điện trở lại cho Quảng Ninh.

Đánh người đấu giá đất ngay trụ sở UBND thị trấn ở Bình Định

Hoài Phương |

Công an huyện Phù Cát (Bình Định) đang vào cuộc làm rõ vụ đánh người tham gia đấu giá đất xảy ra tại trụ sở UBND thị trấn Cát Tiến.

Quảng Nam sẽ xây nhà mới cho cả làng bị họa sạt lở đe dọa

Hoàng Bin |

Quảng Nam sẽ bố trí tái định cư trước Tết cho cả ngôi làng phải di dời khẩn cấp do vết nứt lớn trên đồi cao đe dọa.

Công an xuất hiện tại công ty trúng nhiều gói thầu

HOÀI THANH |

Lực lượng Công an huyện Bảo Lâm (Lâm Đồng) đã có mặt tại trụ sở Công ty TNHH xây dựng và thương mại Tập đoàn Việt Anh.

NSND Thế Hiển đã tỉnh lại, nói chuyện được sau cơn nguy kịch

ĐÔNG DU |

Trao đổi với Báo Lao Động, nhà thơ Lê Minh Quốc - đồng nghiệp của NSND Thế Hiển - nói sức khỏe của NSND Thế Hiển đã tiến triển tốt hơn sau cơn nguy kịch.