Cơn ác mộng của hồi môn

Nhà văn Di Li |

Ấn Độ tựa như một khu chợ gia vị đủ màu sắc và hương liệu. Không chỉ văn hóa phân giai tầng và hôn nhân sắp đặt vẫn còn thịnh hành ở Ấn Độ mà tập tục thách cưới cũng tồn tại như một thứ luật ngầm. Câu chuyện thách cưới nổi tiếng nhất trong kho tàng cổ tích Việt Nam là vua Hùng yêu cầu sính lễ “voi chín ngà, gà chín cựa, ngựa chín hồng mao” từ hai ứng cử viên Sơn Tinh, Thủy Tinh. Nhưng đấy đã là chuyện thần thoại mất rồi.

Ở Ấn Độ giữa thế kỷ 21, người ta vẫn còn thách cưới, dù các bậc phụ huynh ấy chẳng phải sở hữu công chúa da trắng như tuyết, tóc đen như gỗ mun gì cho cam, mà là một ông con trai mắt hí, môi trề, răng hô, cao to đen hôi, mồ hôi dầu, chữ nghĩa chẳng biết, vẫn có quyền đưa ra lời đề nghị về sính lễ như thường.

1. Tập tục trao của hồi môn cho con gái vào ngày cưới cho đến giờ vẫn là nỗi khốn khổ đối với tất cả những gia đình nghèo khó có con gái, thậm chí cả tầng lớp trung lưu. Vì đã thuộc vào loại luật bất thành văn từ nghìn đời nay nên nhà trai thường không cần đưa ra lời thách cưới mà phía nhà gái phải tự nguyện làm việc đó. Bởi gái về nhà chồng không của hồi môn khác gì đeo mặt mo trước nhà thông gia. Của hồi môn không tương xứng địa vị cũng vậy, cô dâu mới sẽ bị cả nhà chồng khinh miệt, thậm chí bạo hành và kiếm cớ đuổi ra khỏi nhà để con trai họ có cơ hội tìm đám khác tốt hơn. Đối với nhà trai, người ta dùng từ “sính lễ”, còn nhà gái sử dụng cụm “của hồi môn”, nhưng thực chất vẫn cứ là sính lễ. Sính lễ của cô dâu Ấn Độ thời nay thường bao gồm tiền mặt, đồ trang sức, bất động sản, xe cộ, đồ điện tử và gia dụng.

Nhiều gia đình đằng trai cũng không vừa, nghĩ rằng thà mất lòng trước được lòng sau, rõ ràng hơn ù xọe, nên chủ động đưa ra yêu cầu thách cưới. Họ sẽ rà soát lại xem gia đình mình còn thiếu những của nả gì thì yêu cầu nhà gái bổ sung vào đấy: Chúng tôi muốn một tivi Samsung 49 inch màn hình phẳng kèm đầu đĩa DVD, một tủ lạnh Hitachi 450 lít, một máy giặt Electrolux cửa trước công suất 10kg, một cái giường đôi kèm đệm Emma, một tủ đứng bằng gỗ sồi, một bộ ấm chén của hãng Jaypore... Họ sẽ bàn bạc xem chú rể có cần thêm gì nữa không, nếu chú rể đang thèm quá một cái xe máy giống như nhà thằng bạn và thiếu mất vài bộ vest mặc đám cưới thì nhà trai sẽ bổ sung thêm: Một xe Yamaha FZ, ba bộ vest bằng vải tafta, một đồng hồ Citizen... Vua Hùng nước Việt đọc xong danh mục này chắc phải uống tâm sen an thần mới ngủ được.

Tuy nhiên, thông thường, nhà gái tự lo đồ sính lễ mà không cần phải chờ nhà trai thách cưới. Họ sẽ chủ động hỏi xem thông gia còn cần thêm gì nữa để họ đi mua cho đỡ bị trùng với những thứ đồ mà nhà kia đã có. Với người Ấn Độ, nội dung của hồi môn đã được thuộc nằm lòng, giống như người Việt luôn biết định mức chính xác mỗi khi đi dự đám ma, đám cưới, để chuẩn bị tiền phúng, tiền mừng bao nhiêu thì là vừa. Hiếm khi bị hớ hay xấu hổ vì nhiều quá hoặc ít quá. Nếu như chú rể là một viên chức ngân hàng, của hồi môn sẽ là ngần này, còn chú rể chỉ là anh bồi bàn phục vụ quán thì hồi môn có thể bị giảm đi hầu hết. Nên có con gái là một cơn đau đầu âm ỉ của những ông bố già, cưới cho con một chàng rể tầm thường thì vừa xót con vừa mất sĩ diện, còn trèo cao thêm tí thì đứt hơi vì của hồi môn.

Karisma Kapoor và Sanjay Kapur. Ảnh sưu tầm của Di Li
Karisma Kapoor và Sanjay Kapur. Ảnh sưu tầm của Di Li

2. Cô bạn Prava cũng nói nhỏ cho tôi biết rằng, cha cô - một giáo viên nghèo ở Cuttak, thành phố hơn nửa triệu dân thuộc bang Orissa - đã cày cục cả đời để chuẩn bị của hồi môn cho cô con gái yêu, dù đến giờ cô vẫn chưa kết hôn, bao gồm các đồ gia dụng và điện tử loại tốt nhất trị giá 500.000 rupi (khoảng 6.000USD) và thêm ngần ấy tiền mặt nữa. Nhưng chính vì bà mẹ chồng tương lai cứ kèo nhèo thêm khoản tiền lương của cô, muốn cô phải nộp hết thu nhập cho chồng nên Prava quyết định từ chối luôn đám ấy. Tuy nhiên, cô cũng có anh trai. Gia đình nào đủ cả nếp lẫn tẻ thì cũng đỡ, họ sẽ lấy khoản hồi môn của con dâu để bù sang cho con gái về nhà chồng, bằng không mà đẻ liền ba con gái thì thế nào các ông bố trẻ cũng muốn ngất xỉu hoặc nhảy lầu, coi như kiếm tiền hết kiếp chỉ để phục vụ cho của hồi môn.

Những ông bố thương con thì sẽ cả đời không dám sống cho bản thân mình vì phải cày cuốc lo hồi môn cho con gái. Còn những ông bố vô tâm, vô cảm sẽ coi con gái là cái nợ đời, và bà vợ không biết đẻ chính là nguồn cơn khốn cùng của cuộc đời mình. Đẻ con trai có phải là đã lời thêm thu nhập rồi không, chỉ việc ung dung ngồi salon mà thách cưới. Những cô gái bất hạnh ấy khi về nhà chồng thường bị ghẻ lạnh vì hồi môn còm cõi, nhưng trước đó, ở chính trong ngôi nhà mình cũng đã bị người thân hắt hủi và khó chịu ra mặt bởi chỉ vì cô ta mà cả gia đình mới ra nông nỗi nghèo túng. Chính vì thế, tỉ lệ phá thai ở Châu Á mới trường kỳ bền vững. Nếu như các nước như Trung Quốc, Hàn Quốc, Singapore, Việt Nam chọn lọc giới tính vì gia đình muốn có người nối dõi tông đường thì người Ấn Độ sẽ ngăn không cho các bé gái ra đời chỉ vì cơn ác mộng của hồi môn... Chênh lệch giới tính của Ấn Độ vì thế cũng rất đáng kể: 919 nữ/1.000 nam. Nhiều nhà xã hội học và tội phạm học trên thế giới đưa ra đủ loại nghiên cứu để lý giải tại sao tỉ lệ hiếp dâm ở Ấn Độ ngày càng gia tăng, thậm chí còn có giả thuyết cho rằng, các loại gia vị chứa trong cà ri Ấn có hoạt chất khiến hormon đàn ông Ấn bị... tăng trưởng quá đà. Họ quên mất rằng, chính tỉ lệ chênh lệch giới tính một cách bi kịch ở Ấn Độ đã sinh ra vô số tệ nạn xã hội, trong đó có tội ác cưỡng bức phụ nữ.

3. Trước đây, của hồi môn có thể được nhà gái trao tặng rải rác trong suốt quá trình hôn nhân, nhưng giờ hồi môn là thứ bắt buộc, thời đại càng tân tiến càng phải “ngay và luôn”. Nhiều ông bố vợ bấn quá xin khất, xin đưa chậm hồi môn. Những cô dâu ấy nhẹ thì bị nhà chồng khinh rẻ, tra tấn tinh thần, nặng thì bị bạo hành, thậm chí giết chết. Riêng 2012 là một năm cao điểm khi người ta thống kê có tới 8.233 cô dâu bị chồng đánh đến chết chỉ vì của hồi môn trả chậm. Luật pháp Ấn Độ đã chính thức cấm tuyệt đối hủ tục hồi môn từ năm 1961 nhưng luật định ấy coi như chỉ nằm trên giấy.

- Nhưng đấy là các cô gái thường dân, chớ hoa hậu và những ngôi sao Bollywood như Aishwarya Rai hay Kareena Kapoor thì ngồi lầu hoa chiếu ngọc, hoàng tử phải đến rước họ chứ sao cần của hồi môn.

- Ối Trời ơi, hồi môn cả đấy! - Prava kêu lên phẫn uất - Đối với họ, của hồi môn được coi là phong cách thời thượng và những đám cưới xa hoa sẽ thể hiện đẳng cấp. Chính các ngôi sao khiến cho hủ tục ngày càng nặng nề và người nghèo thêm khốn khổ vì phải lo cho con gái.

Song những điều Prava nói vừa đúng vừa sai. Đúng vì càng giàu người ta càng thích trưng của hồi môn như một thứ đồ trang sức của danh vị. Ở những nhà giàu vừa, hồi môn sẽ được bày biện linh đình trong tiệc cưới để khách mời phải trầm trồ như đi dự triển lãm, còn những nhà giàu quá, hồi môn chỉ mang tính thông báo, không bày được ra thế, vì nó có thể bao gồm một căn biệt thự, một bộ sưu tập xe hơi và túi kim cương thượng hảo hạng.

Nhưng sai vì ngay cả hoa hậu hay siêu sao Ấn Độ cũng bị nhà chồng... bạo hành vì của hồi môn, chứ không phải cho đi hồi môn là sở thích của các gia đình sao nữ. Cứ thử không có hồi môn xem. Ở Bollywood, còn ai xinh đẹp và nổi tiếng hơn Karisma Kapoor. Cô là chị gái của ngôi sao Kareena Kapoor. Cả hai chị em xuất thân trong một gia đình bốn đời nổi danh trong làng công nghiệp điện ảnh, họ hàng hai bên toàn sao và đôi chị em ngọc nữ ấy đã thống trị Bollywood suốt một thời gian dài. Năm 2003, Karisma kết hôn với Sanjay Kapur - CEO của Công ty SIXT R & D India, đến 2010 thì ly thân sau khi đã có hai đứa con với Sanjay và lằng nhằng thủ tục mãi 6 năm sau mới chính thức ly hôn. Lý do Karisma đưa ra là Sanjay và mẹ anh ta liên tục lèo nhèo cô về của hồi môn. Đạo diễn, nhà sản xuất phim Randhir Kapoor - cha đẻ của cô - phẫn uất quá vì con rể được voi đòi tiên, mới công khai bình luận trước truyền thông rằng “Sunjay là người thuộc đẳng cấp thứ ba. Và anh ta đã làm ô uế toàn thể đẳng cấp của anh ta”.

4. Nạn nhân nổi tiếng tiếp theo của kiếp nạn hồi môn là Hoa hậu Thế giới 1999 Yukta Mookhey. Năm 2008, nữ diễn viên kỳ cựu của Bollywood kết hôn cùng Prince Tuli - CEO tập đoàn Amrit Global. Tuli là con trai của nhà tài phiệt Bacchitar Singh Tuli - một dòng họ sở hữu hàng loạt khách sạn siêu sang và siêu thị, công ty kinh doanh thiết bị xây dựng ở Mumbai. Nhưng cũng chỉ vỏn vẹn 5 năm, Yukta Mookhey đệ đơn ly hôn vì bị cả nhà chồng quấy rối của hồi môn. Cô tố cáo trước báo giới rằng, vừa cưới xong được một tháng, chị chồng đã mò đến tận khách sạn "nã" cô tới 3 giờ sáng để truy vấn xem mỗi tháng cô kiếm được bao nhiêu? Thế sau hôn nhân, cô định làm gì với các khoản tiền tiết kiệm? Hai căn hộ của cô ở Mumbai giờ do ai đứng tên? Liệu cô có muốn đưa hết thu nhập cho chồng và gia đình chồng hay không?

Đến khổ, tôi những tưởng chỉ có cô bạn nhà thơ Prava thân mến của tôi, con một giáo viên nghèo ở vùng xa, mới bị nhà chồng bắt nạt, nã tiền, ép phải giao hết lương tháng cho chồng, ngờ đâu kiều nữ được cả thế giới ngả đầu ngưỡng mộ vì sắc đẹp mà cũng bị đòi hồi môn, hồi môn xong chưa đủ còn gạ gẫm lấy hết thu nhập. Mà chồng các cô ấy cũng toàn là đại gia, nhà chồng thuộc hàng trâm anh thế phiệt, của nả đến ngày tận thế tiêu không hết, tại sao cứ phải lân la của hồi môn để làm gì.

Đó là câu hỏi mà tôi nghĩ mãi không ra, hỏi người Ấn cũng không ai biết đường trả lời. Phải chăng từ thời cổ đại đến giờ, hưởng thụ của hồi môn đã là thứ ăn sâu vào máu của đàn ông Ấn Độ. Họ không thiếu tiền, nhưng không có hồi môn nó cứ thế nào ấy, sẽ thiêu thiếu, sẽ bứt rứt, sẽ thấy mình kém cỏi, thua thiệt đi. Cách đây vài năm, vụ án doanh nhân Chaitanya Reddy giết vợ vì của hồi môn cũng được đưa lên báo chí quốc tế, dù ở xứ sở sông Hằng, việc ấy chẳng có gì là lạ lẫm nữa. Chỉ vì lèo nhèo nhà vợ đưa thêm triệu rưỡi rupi và ép vợ bán mảnh đất đứng tên cô không được, Chaitanya đã làm cho vợ tắc thở bằng một cái gối bông. Trước đó, gia đình nhà vợ đã đưa cho anh ta của hồi môn vào ngày cưới, bao gồm một số đồ trang sức trị giá 3 triệu rupi và 1 triệu rupi tiền mặt (4 triệu rupi tương đương 1,2 tỉ đồng). Cưới xong, Chaitanya lại kỳ kèo nhà vợ mấy lần nữa và được đáp ứng thêm 2 triệu rưỡi rupi, song ông con rể quý hóa vẫn chưa thỏa mãn. Tuy nhiên, Chaitanya Reddy đường đường là một tiến sĩ, trong khi vợ anh ta, Kiran Reddy là cháu gái gọi bằng cậu của ngài S. Jaipal Reddy - Bộ trưởng Liên minh Dầu khí Ấn Độ. Kiran 26 tuổi, cũng là tiến sĩ, họ mới cưới nhau được 5 năm và có đứa con 4 tuổi. Vậy mà án mạng xảy ra vì của hồi môn như thể chuyện làng quê Ấn Độ thế kỷ trước.

5. Tục lệ của hồi môn bắt nguồn từ luật thừa kế của người Hindu. Luật cổ ưu tiên thừa kế cho con trai, còn con gái bị cắt quyền, nên có nhẽ cha mẹ thương con quá mới giấm giúi cho ít hồi môn như một sự bù trừ. Nhưng dần dà tục lệ ấy đã được nâng cấp và thành điều khoản bắt buộc khi nhà trai ngày càng tham tiền theo thời gian. Những bà mẹ chồng và ông con rể xấu tính sau khi yêu cầu về của hồi môn đã được đáp ứng thì lòng tham không đáy, tiếp tục nã tiền thông gia và bố vợ, không cho thêm thì lôi vợ ra đánh đập. Các cô dâu lúc ấy bỗng hóa ra một thứ “con tin” để tống tiền. Bố vợ muốn “con tin” toàn mạng, không bị kéo lê ra sân tẩm dầu đốt tóc hay biến thành dung nhan của gấu Panda thì đành biến thành trâu cày trong suốt quãng đời còn lại để trả nợ trần gian. Biết con khổ nhưng chẳng ông bố bà mẹ nào dám xui con bỏ chồng, vì của hồi môn nhà trai nắm đằng chuôi rồi, ly dị là mất trắng. Mà ly hôn rồi hàng xóm coi khinh, con gái không lấy được chồng nữa, vả có người muốn cưới lại thì cũng đào đâu ra tiền mà lo thêm khoản hồi môn thứ hai. Thành thử, tỉ lệ ly hôn của Ấn Độ luôn thấp nhất thế giới, ở mức dưới... 1%. Của hồi môn bây giờ đã thành một thu nhập đáng kể đối với nhà trai, thậm chí họ sẵn sàng viện cớ tống cổ con dâu ra cửa để cưới về cô dâu khác, nhằm kiếm chác thêm một khoản hồi môn thứ hai.

Tuy nhiên, trong một tương lai sáng lạn của kỷ nguyên mới, các cô dâu Ấn Độ và những ông bố vợ phải đấm có quyền hy vọng về một đám cưới miễn phí hồi môn. Chẳng phải nhà trai bây giờ đã bớt tật tham tiền, mà vì Ấn Độ hiện thiếu phụ nữ trầm trọng. Thậm chí, nhiều ngôi làng ở Ấn Độ nhiều năm nay chỉ “đẻ được” toàn con trai. Cũng như phụ nữ ở một số nước Châu Á khác, con gái Ấn Độ bắt đầu có giá. Nhiều ông chồng cần có vợ đến nỗi “bỏ của lấy người”. Lần đầu tiên trong lịch sử Ấn Độ, phụ nữ được quyền kén chọn và ra điều kiện. Mà nói chung, khắp Châu Á bây giờ đều phải chuẩn bị tinh thần vì hàng triệu đàn ông sẽ ế vợ, và con gái sẽ quý hiếm như vàng mười. Đó cũng chính là quy luật nhân - quả của Đức Phật vậy. Và khi ấy, những sinh linh bị cha mẹ nhẫn tâm từ bỏ ngay trong bụng chỉ vì chúng là con gái sẽ nhìn xuống mỉm cười, từ trên Thiên Đường.

Nhà văn Di Li
TIN LIÊN QUAN

Ấn Độ: ''Em bé cứu tinh'' đầu tiên chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho anh trai

Phương Linh |

Một em bé ở Ấn Độ đã được ra đời với mục đích làm ''cứu tinh'' chữa khỏi bệnh hiểm nghèo cho anh trai ruột.

Mưa lũ càn quét kinh hoàng ở Ấn Độ, cuốn trôi nhiều ôtô

HỒNG HẠNH |

Mưa lũ càn quét ở Ấn Độ trong 3 ngày khiến nhiều ôtô bị cuốn trôi, gây thiệt hại hàng triệu rupee.

Ấn Độ chọn 300 triệu người tiêm vaccine COVID-19 sớm

Thanh Hà |

Ấn Độ đang xác định 300 triệu người sẽ được tiêm liều vaccine COVID-19 ban đầu.

Danh tính nạn nhân trong cabin xe tải dưới cầu Phong Châu

Tô Công |

Phú Thọ - Cơ quan Công an đã xác định được danh tính nạn nhân được phát hiện trong cabin xe tải gần khu vực cầu Phong Châu bị sập.

Thông báo Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII

. |

Thực hiện Chương trình làm việc toàn khóa, Hội nghị lần thứ mười Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp từ ngày 18.9 đến ngày 20.9.2024 tại Thủ đô Hà Nội.

Quan hệ với Tổng Công hội Trung Quốc đặc biệt được coi trọng

Kiều Vũ - Hải Nguyễn |

Hà Nội - Ngày 20.9, diễn ra Hội đàm giữa Tổng LĐLĐVN và Tổng Công hội Trung Quốc (ACFTU).

Thông xe cao tốc Nội Bài - Lào Cai sau 8 ngày sạt lở

Đinh Đại |

Sự cố về sạt lở đã khiến nút giao cao tốc Nội Bài – Lào Cai (IC18) không thể hoạt động và mất nhiều ngày để khắc phục.

Cựu lãnh đạo SCB khai mẹ và dì cũng là bị hại của mình

Tâm Tú |

TPHCM - Cựu Tổng Giám đốc Ngân hàng SCB - Trương Khánh Hoàng cho biết, bản thân ân hận, xót xa vì có nhiều bị hại trong vụ án, trong đó có mẹ và dì của bị cáo.