Bất chấp những dự đoán về sự suy tàn của nền kinh tế Nga, gần hai tháng sau khi Tổng thống Vladimir Putin phát động chiến dịch quân sự ở Ukraina, xuất khẩu dầu của Nga sang Châu Âu và các quốc gia như Ấn Độ và Thổ Nhĩ Kỳ đã thực sự tăng lên và lĩnh vực tài chính của Nga cho đến nay vẫn tránh được khủng hoảng thanh khoản - tờ Foreign Policy cho hay.
Theo giới chuyên gia, các biện pháp trừng phạt có thể có hiệu quả về lâu dài, nhưng hiện tại, chính các nước đang trừng phạt Nga đang tích cực tăng mua năng lượng từ Mátxcơva - trong một số trường hợp, với số lượng lớn hơn trong tháng 4 so với tháng 3.
Xuất khẩu dầu đạt tốc độ kỷ lục
Edward Fishman, cựu chuyên gia về Châu Âu tại Bộ Ngoại giao Mỹ, cho biết: “Tổng thống Putin đang tiếp tục kiếm được ít nhất 1 tỉ USD mỗi ngày từ việc bán dầu và khí đốt, và thị phần lớn là từ Châu Âu. Các quốc gia Châu Âu riêng lẻ một mặt gửi hỗ trợ quân sự cho Ukraina mặt khác đang chi bộn tiền để mua dầu khí Nga”.
Matt Smith của Công ty Kpler chuyên theo dõi các tàu chở dầu cho biết, bất chấp những hạn chế của phương Tây đối với lĩnh vực tài chính của Mátxcơva, xuất khẩu dầu của Nga lên tới 3,6 triệu thùng/ngày trong tháng 4, so với 3,3 triệu thùng/ngày trong tháng 3. “Điểm mấu chốt là xuất khẩu dầu thô của Nga trong tháng này thực sự cao hơn so với tháng trước. Thật ngạc nhiên" - Smith nói.
Hay như các chuyên gia từ Viện Tài chính Quốc tế (IIF) cho hay trong một báo cáo tuần này, xuất khẩu dầu mỏ của Nga đang đạt “tốc độ kỷ lục” trong tháng 4. Ngay cả khi bán dầu với mức giá chiết khấu lớn, doanh thu từ hoạt động này có khả năng cao hơn đáng kể so với cùng kỳ năm trước.
Những khoản thu đó đã đưa thặng dư tài khoản vãng lai của Nga lên mức cao mới. Trong ba tháng đầu năm, con số này lên tới 60 tỉ USD, so với 120 tỉ USD cho cả năm 2021, cung cấp cho Điện Kremlin nguồn thu mới để chống lại các lệnh trừng phạt. Nga là nhà sản xuất dầu thô lớn thứ ba thế giới, sau Mỹ và Saudi Arabia.
Đối với nhiều quốc gia Châu Âu, khí tự nhiên thậm chí còn khó cắt bỏ hơn dầu mỏ, vì nó có xu hướng được giao dịch theo các hợp đồng dài hạn thông qua các đường ống cố định và không thể thay thế được như dầu. Mặc dù Đức không phê duyệt đường ống Nord Stream 2 mới từ Nga, phần lớn khí đốt của Nga vẫn tiếp tục chảy vào Châu Âu như trước đây. Hiện tại, các nguồn cung cấp khí tự nhiên hóa lỏng thay thế, có thể được vận chuyển bằng đường biển, vẫn còn hạn chế, đặc biệt là ở Trung và Đông Âu.
Ủy ban điều hành của Liên minh Châu Âu (EU) đã phác thảo kế hoạch cắt giảm 2/3 lượng khí đốt nhập khẩu của Nga vào cuối năm 2022 nhưng kế hoạch đó vẫn còn mơ hồ, và nhiều chuyên gia cho rằng không khả thi. Kế hoạch này cũng gặp phải sự phản kháng gay gắt, đặc biệt là ở Đức, quốc gia tiêu thụ nhiều khí đốt nhất của Nga, lên tới 1/3 tổng lượng sử dụng hàng năm của Đức.
Tuy nhiên, hiện tại, các con số doanh thu của Nga đang kể một câu chuyện rất khác - câu chuyện cho thấy phản ứng quốc tế thực sự bị chia rẽ và không chắc chắn, cũng như giá dầu thô của Nga được chiết khấu hấp dẫn như thế nào trong thời điểm giá năng lượng tăng và lạm phát tràn lan gần như ở khắp mọi nơi. Không nơi nào mà điều đó đúng hơn trong các thị trường năng lượng. Theo dữ liệu mới nhất, xuất khẩu dầu thô của Nga đã tăng vọt trong vài tuần đầu tiên của tháng 4 - với Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Italia mua nhiều hơn và phần còn lại của EU khá ổn định. Trong khi Mỹ, Anh, Australia và Canada đã cấm hoàn toàn nhập khẩu dầu của Nga, hầu hết các quốc gia Châu Âu, dẫn đầu là Đức vẫn tiếp tục mua.
Ấn Độ là nước tăng mua nhiều nhất. Chuyên gia Smith của Kpler cho biết, tận dụng các đợt giảm giá lớn của Nga, Ấn Độ chỉ trong hai tháng qua đã nhập 17 triệu thùng dầu thô Urals từ Nga, so với 12 triệu thùng của cả năm ngoái. Trước đây, New Delhi đã mua phần lớn dầu của mình từ các nhà sản xuất Trung Đông và Nigeria, nhưng bây giờ họ đang được giảm giá lớn từ Nga.
Tuy nhiên, lượng mua của Ấn Độ vẫn kém Châu Âu. Theo ông Smith, Thổ Nhĩ Kỳ đã tăng nhập khẩu dầu của Nga từ 200.000 thùng/ngày trong tháng 3 lên 300.000 thùng/ngày trong 4. Italia cũng đang nhập nhiều dầu thô của Nga hơn trong tháng này, từ 100.000 lên 300.000 thùng/ngày.
Thanh toán bằng đồng rúp
Nga cũng đã tìm cách thiêt lập một trung tâm ngân hàng mới mạnh mẽ - và không bị trừng phạt - ở Gazprombank, ngân hàng của tập đoàn năng lượng khổng lồ Gazprom của Nga. Mátxcơva đang gây áp lực buộc các quốc gia Châu Âu và những nước khác trả các khoản thanh toán bằng USD vào ngân hàng Gazprombank và nhận lại rúp.
Và nhờ sự khéo léo của Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nga Elvira Nabiullina, người đã tăng tỉ giá và áp đặt các biện pháp kiểm soát tiền tệ để ngăn người Nga rút tiền ra khỏi đất nước, tỉ giá hối đoái của đồng rúp đã về như hồi tháng 2.
Chính phủ Nga cũng đã áp đặt các quy định về xuất khẩu, yêu cầu 80% ngoại tệ mạnh từ xuất khẩu phải được bán thông qua các ngân hàng được phép, đặc biệt là ngân hàng Gazprombank.
Công ty quốc tế vẫn hoạt động ở Nga
Trong khi vẫn còn nghi ngờ về việc bao nhiêu công ty quốc tế cam kết rút khỏi Nga thì một số công ty lớn của Mỹ như International Paper và Koch Industries vẫn tiếp tục hoạt động ở đó, cũng như một loạt các tập đoàn Châu Âu, Ấn Độ và Trung Quốc, bao gồm cả người khổng lồ thép Thyssenkrupp của Đức. Nhìn chung, khoảng 400 công ty đa quốc gia tiếp tục kinh doanh tại Nga, mặc dù một số người nói rằng họ đang trì hoãn việc đầu tư, phát triển và tiếp thị đã được lên kế hoạch trong tương lai hoặc cắt giảm phần nào hoạt động.