Nỗi lo tìm việc
Tốt nghiệp cử nhân khoa Luật - Đại học Quốc Gia Hà Nội, nhưng Từ Giang lại chọn một công việc liên quan tới hành chính văn phòng vì "không biết bắt đầu lại từ đâu".
Tân cử nhân cho biết, bản thân đã gắn bó với công việc này từ hè năm 3 đại học. Khi tốt nghiệp, cô bạn cũng mong muốn tìm việc đúng ngành nhưng quả thực rất khó.
"Sinh viên mới ra trường gặp vô vàn khó khăn, nhất là tìm kiếm cho mình một công việc phù hợp. Hiện nay, rất nhiều bạn ra trường chấp nhận làm trái ngành vì những nghề đặc thù đều tuyển nhân viên có kinh nghiệm hoặc học việc với mức phụ cấp thấp, thậm chí là không có phụ cấp.
Điều này khiến nhiều bạn như em không dám theo nghề mà bắt buộc phải làm trái ngành. Mang hồ sơ đi xin việc nhưng đâu đâu cũng yêu cầu có kinh nghiệm 2 - 3 năm, thử hỏi những sinh viên mới ra trường thì kinh nghiệm ở đâu ra?” - Từ Giang bộc bạch.
Cô bạn cũng cho biết, bản thân vẫn có nguyện vọng được làm đúng chuyên ngành Luật mình đã được đào tạo, nhưng nỗi lo cơm áo gạo tiền đã lấn át đi niềm đam mê và sở thích.
Giang thở dài: "Sinh viên mới ra trường tìm được việc đã khó mà tìm được công việc đúng ngành lại càng khó hơn".
Nguyễn Yến - tân cử nhân chuyên ngành Tâm lí học - Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cũng trong tình cảnh tương tự. Mặc dù đã tốt nghiệp được gần hai tháng nhưng hiện tại, Yến đang ở nhà phụ bố mẹ chăn nuôi và buôn bán, em chưa có dự định và kế hoạch cho tương lai.
"Cầm tấm bằng trên tay nhưng kĩ năng và kinh nghiệm bằng con số 0 nên em không biết phải làm thế nào. Ở lại Hà Nội, việc làm không có lại mất thêm tiền trọ, tiền sinh hoạt phí nên em đành về quê ở với bố mẹ, cũng như suy nghĩ thêm về định hướng nghề nghiệp" - Yến chia sẻ.
Trang bị kĩ năng và tích luỹ kinh nghiệm
Đã tốt nghiệp hơn 2 năm, Trần Bình - cựu sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội - hiện là nhân viên tổ chức sự kiện tại một tập đoàn lớn trong nước cho biết - làm việc đúng ngành nghề được đào tạo là một điều may mắn. Tuy nhiên, cần có sự tính toán và xây dựng kế hoạch từ những năm còn ngồi trên giảng đường đại học.
"Theo em, các bạn nên trang bị kĩ năng ngay từ khi còn là sinh viên. Hãy tích cực tham gia các hoạt động, hội nhóm trong trường đại học để có thêm các kĩ năng như thuyết trình, giao tiếp, tự tin trước đám đông…
Các bạn đừng nghĩ thời sinh viên là để nghỉ ngơi, thảnh thơi mà hãy tìm những công việc bán thời gian đúng với chuyên ngành để làm dày dặn kinh nghiệm, đó cũng là một lợi thế khi đi xin việc sau này” - Bình chia sẻ.
Cựu sinh viên Trường Đại học Mở Hà Nội cũng khuyên các bạn sinh viên mới ra trường không nên nản chí khi chưa tìm được công việc phù hợp. Thay vì buồn bã, hãy kiên trì, chăm chỉ, chủ động tích luỹ kiến thức và kĩ năng để tự tạo cơ hội cho bản thân.
Nguyễn Minh Phương - cựu sinh viên Trường Đại học Thương Mại hiện đang làm kế toán cho một công ty kinh doanh thiết bị công nghệ tại Hà Nội cho biết, bản thân rất hài lòng với công việc hiện tại vì đúng chuyên ngành và sở thích cá nhân. Tuy nhiên, để có được ngày hôm nay, Phương đã nỗ lực ngay từ những ngày còn ngồi trên giảng đường.
"Em nghĩ điều khiến nhà tuyển dụng chú ý tới em chính là thái độ làm việc và tinh thần cầu tiến thể hiện qua CV và quá trình phỏng vấn. Những kĩ năng này không phải ngẫu nhiên mà có, nó tích luỹ suốt nhiều năm học tập và rèn luyện dưới ngôi trường đại học” - Phương nói.
Minh Phương cho rằng, hiện nay, nhiều bạn sinh viên mới ra trường kén chọn công việc và yêu cầu mức lương cao trong khi kinh nghiệm còn non nớt.
"Thay vì mơ mộng, các bạn cần phải thực chiến và xông xáo, đồng thời phải có thái độ, tinh thần làm việc tốt và có trách nhiệm với công việc được giao" - Phương đưa ra lời khuyên.