Điểm chuẩn không được thấp hơn điểm sàn
Điểm sàn (còn gọi là ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào). Đây là mức điểm tối thiểu thí sinh cần đạt để có thể đăng ký xét tuyển vào ngành hoặc trường đại học. Sau quá trình xét tuyển, trường đại học sẽ đưa ra điểm chuẩn của từng ngành, và điểm chuẩn không được thấp hơn điểm sàn.
Với phương thức xét điểm thi tốt nghiệp THPT, điểm sàn thường được tính theo thang 30 (tổng điểm ba môn thi tốt nghiệp THPT theo tổ hợp và điểm ưu tiên, khu vực).
Với một số ngành chú trọng ngoại ngữ hoặc các môn năng khiếu đặc thù sẽ tính điểm sàn theo thang 40, 50 điểm.
Hiện nay, hơn 200 trường đại học trên cả nước đã hoàn thành việc công bố điểm sàn xét tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT 2022. Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, điểm sàn đại học năm nay tương đối ổn định, tăng nhẹ ở mức 0,5 - 1 điểm, không biến động lớn so với năm ngoái.
Ví dụ, ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào nhóm ngành sư phạm, sức khỏe do Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định cụ thể là: Nhóm sư phạm lấy điểm sàn là 19 điểm, riêng các ngành giáo dục thể chất, nghệ thuật là 18 điểm. Với các ngành sức khỏe, điểm sàn từ 19 đến 22 điểm, cao nhất là Y khoa và Răng - Hàm - Mặt.
Theo đó, hầu hết các trường đại học đào tạo ngành sư phạm, sức khỏe cũng lấy ngưỡng đầu vào bằng mức này, một số trường top đầu công bố mức điểm sàn cao hơn.
Điểm sàn Trường Đại học Sư phạm Hà Nội cao nhất là 21,5 cho ngành Sư phạm Hóa học (dạy bằng tiếng Anh), Trường Đại học Y Hà Nội, Y khoa Phạm Ngọc Thạch có điểm sàn là 23 cho các ngành Y khoa, Răng - Hàm - Mặt, Y học cổ truyền.
Ngoài ra, với các trường đại học top đầu hoặc ngành hot cũng lấy điểm sàn khá cao, dao động từ 23-26 điểm.
Ví dụ như: Ngành Robot và trí tuệ nhân tạo (hệ nhân tài), Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật TPHCM có mức điểm sàn xét tuyển là 26 (trung bình 8,6 điểm/môn); Trường Đại học Ngoại thương công bố điểm sàn là 23,5 điểm cho mọi ngành ở trụ sở Hà Nội và cơ sở TPHCM; Trường Đại học Thủy lợi điểm sàn dao động từ 20-21 điểm, riêng ngành Công nghệ thông tin là 23 điểm.
Một trường hợp điểm sàn tăng vượt trội so với năm ngoái là Trường Đại học Quy Nhơn. Tại 6 ngành Sư phạm Toán học, Vật lý, Hóa học, Ngữ văn, Lịch sử và Địa lý của trường, điểm sàn lên tới 28,5 (trung bình 9,5 điểm/môn).
Bên cạnh những ngành lấy điểm sàn cao, một số ngành, trường chỉ lấy 14-15 điểm, thí sinh chỉ cần đạt trung bình 4,5-5 điểm/môn, chưa cần điểm cộng là đủ điều kiện nộp hồ sơ.
Ví dụ các ngành Địa chất học, Khí tượng và khí hậu học... của Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường TPHCM lấy điểm sàn là 14. Mức sàn 15 phổ biến hơn với nhiều ngành của Học viện Nông nghiệp Việt Nam, Trường Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, Trường Đại học Mỏ - Địa chất...
Tránh sập “bẫy điểm sàn”
Theo các chuyên gia, mức điểm sàn đơn thuần là đảm bảo điều kiện đủ để thí sinh tham gia xét tuyển. Để tránh sập “bẫy điểm sàn” thí sinh phải tham khảo và đối chiếu điểm chuẩn trúng tuyển ngành nghề mà mình yêu thích trong 2 - 3 năm gần nhất. Đồng thời, đảm bảo mức điểm xét tuyển cao hơn mức điểm cũ ở ngưỡng an toàn.
Về vấn đề này, GS.TSKH Nguyễn Đình Đức - Trưởng Ban Đào tạo Đại học Quốc gia Hà Nội khuyên thí sinh nên căn cứ vào điểm chuẩn năm trước của các ngành, các trường; phổ điểm các tổ hợp và chỉ tiêu năm nay của các trường để xác định mức điểm của mình có an toàn hay không thay vì dựa vào điểm sàn.
Dành lời khuyên cho thí sinh, TS Vũ Văn Thành - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Điều dưỡng Nam Định lưu ý, thí sính nên đăng ký nguyện vọng đầu tiên là ngành/trường mình yêu thích và muốn học nhất. Nếu đăng ký xét tuyển theo phương thức sử dụng kết quả thi tốt nghiệp THPT, các em cần có điểm thi cao hơn điểm sàn mà Bộ GDĐT và các trường đại học công bố.
Theo quy định của Bộ GDĐT: Từ ngày 22.7 đến 17h ngày 20.8, thí sinh thực hiện các quy trình đăng ký nguyện vọng lên hệ thống của Bộ GDĐT.
Từ ngày 21 đến 17h ngày 28.8, thí sinh phải vào hệ thống của Bộ để xác nhận số lượng, thứ tự nguyện vọng và nộp lệ phí xét tuyển theo số lượng nguyện vọng đã đăng ký.