Một kỳ Đại hội đặc biệt
Đặc biệt vì Đại hội diễn ra trong bối cảnh Việt Nam và cả thế giới phải đối mặt với những tác động sâu rộng của dịch COVID-19 đang hoành hành, sau khi hoãn đi hoãn lại 3 lần. Bao giờ cũng thế, Đại hội là dịp để các đại biểu từ khắp mọi miền thuộc nhiều thế hệ điện ảnh có dịp hội ngộ, khơi lại ngọn lửa nghề nồng ấm và thêm những cái duyên hợp tác cho những dự án điện ảnh tương lai. Với Ban chấp hành, đây là thời điểm để đánh giá, tổng kết những việc đã làm được trong 5 năm nhiệm kỳ đã qua, đúc rút ra những bài học kinh nghiệm đề ra phương hướng cho một nhiệm kỳ mới.
Nhìn lại 5 năm qua, Hội đã thể hiện được vai trò trong nhiều hoạt động. Bảo vệ quyền lợi hội viên với việc kiến nghị bộ đề xuất với Chính phủ xem xét nâng mức quy đổi giá trị giải thưởng Cánh diều Vàng từ ½ lên mức 2/3 giá trị giải Bông sen Vàng tại Liên hoan phim quốc gia, để nghệ sĩ đỡ thiệt thòi khi xét tặng danh hiệu nghề nghiệp; sát cánh cùng các nghệ sĩ Hãng Phim truyện Việt Nam để kiến nghị với các cấp tháo gỡ việc cổ phần hóa không có hiệu quả, gây tổn thất lớn cho hãng phim đầu ngành này. Đặc biệt, Hội hoạt động mạnh mẽ trong sáng tác và hỗ trợ sáng tác, trong có việc mở nhiều trại sáng tác, trại tập huấn nghề nghiệp có hiệu quả cao. Từ 2015 đến tháng 7.2020, Hội đã đầu tư cho 1.313 kịch bản ở các thể loại với tổng số tiền đầu tư là 15,526 tỉ đồng.
Hội cũng tổ chức lễ trao giải Cánh diều hằng năm để kịp thời tôn vinh các tác phẩm điện ảnh có sáng tạo nổi bật. Ngoài ra, các hoạt động khác trong có Trung tâm TPD được coi như cánh tay nối dài của hội, tạo điều kiện giúp các bạn trẻ nhập môn trên đường vào điện ảnh. Ngoài ra, hội còn tham gia vào nhiều công việc xã hội khác, tham gia góp ý về Luật Điện ảnh cũng như các thông tư văn bản khác của các cơ quan, ban, ngành.
Nhân sự và hàng loạt vấn đề của điện ảnh Việt
Nhân sự luôn là vấn đề then chốt của Đại hội. Làm sao bầu ra một Ban chấp hành mới đủ tâm, tài, kết hợp hài hòa giữa già và trẻ có khả năng tập hợp, đoàn kết nghệ sĩ dưới một mái nhà chung, hỗ trợ nghệ sĩ sáng tạo cho ra đời những tác phẩm điện ảnh xuất sắc. Không nên để lọt vào những cá nhân có thể có tài ở một phương diện nào đó nhưng chỉ nhăm nhăm lo vun vén lợi ích cho cá nhân, cho gia đình. “Chữ Tâm kia mới bằng ba chữ Tài” lời của danh hào Nguyễn Du vẫn luôn văng vẳng đâu đây.
Một Ban chấp hành thực sự mạnh mẽ, mới có thể tạo ra những thay đổi mang tính đột phá khi điện ảnh Việt đang đối mặt phải rất nhiều khó khăn.
Dù không thể phủ nhận những thay đổi tích cực của điện ảnh Việt như số lượng phim Việt tăng đều qua từng năm và vượt mốc 40 phim vào năm 2019. Trước khi COVID-19 bùng phát làm đóng băng thị trường thì doanh thu phòng vé phim Việt đã có phim cán mốc 100 tỉ đồng rồi cao nữa như “Hai Phượng” thu 200 tỉ đồng cả trong và ngoài nước. Một số nhà làm phim tư nhân đã chú ý làm phim nghệ thuật như “Song Lang” giành thắng lợi ở các liên hoan phim trong nước và quốc tế.
Trong bối cảnh mới khi phim chiếu ra rạp gặp khó khăn, việc phát hành phim chiếu trên các nền tảng trực tuyến là một hướng đi mới. Và khi COVID-19 qua đi, việc lấy lại thị trường phim Việt sẽ là bài toán cực khó, khi thị trường phát hành phim hiện nay chủ yếu do tư nhân làm chủ nhưng các công ty tư nhân nội địa chỉ nắm được trên 20% lượng phòng chiếu trong khi các doanh nghiệp phát hành, phổ biến phim có yếu tố đầu tư nước ngoài chiếm tới 65% thị phần. Với mục đích hàng đầu là lợi nhuận, các doanh nghiệp nước ngoài ưu tiên nhập khẩu và chiếu phim ngoại nhập, nhất là phim Mỹ (được nhập thoải mái do không bị áp hạn ngạch khi Việt Nam đàm phán ra nhập WTO, trong khi Chính phủ và quản lý ngành cũng chưa có các biện pháp mang tính “rào cản kỹ thuật” để hạn chế) khiến phim Việt rất khó vào rạp. Sự mất cân đối giữa phát hành phim trong nước và nước ngoài ở Việt Nam khiến nhiều người đặt câu hỏi: Phải chăng sự “xâm lăng” văn hóa trong điện ảnh hiện nay đang là nguy cơ hiện hữu?
Rồi làm sao kết nối, thu hút các đạo diễn trẻ, đang làm phim độc lập đến với hội? Làm sao nâng cao chất lượng thực sự giải thưởng Cánh diều để câu nói “Giải của hội là giải Cannes Việt” không chỉ là so sánh cho vui, khi hội chọn ra và tôn vinh đích đáng những tác phẩm mang tới sự mới mẻ trong việc khai phá ngôn ngữ điện ảnh….
Điện ảnh Việt nhiều tiềm năng, thị trường điện ảnh Việt thực sự “màu mỡ” nhưng làm sao khai thác hết khả năng là câu hỏi với các nhà quản lý, nghệ sĩ và công chúng yêu mến môn nghệ thuật thứ Bảy này.