Từ cuối năm 2019, thực hiện Nghị quyết 39/2018/NQ-HĐND của HĐND tỉnh Ninh Bình hướng tới nền nông nghiệp theo hướng sản xuất hàng hóa, huyện Hoa Lư là một trong những địa phương đi đầu ở Ninh Bình thực hiện mô hình “chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng sen Nhật kết hợp thả cá gắn với du lịch sinh thái” tại các xã Trường Yên, Ninh Xuân, Ninh Hải, Ninh Thắng.
Đến năm 2020 và 2021, huyện Hoa Lư tiếp tục triển khai thực hiện các mô hình trên nhằm phục vụ cho “Năm Du lịch quốc gia” do tỉnh Ninh Bình đăng cai, nhất là mô hình trồng sen Nhật với quy mô trên 50 ha. Riêng xã Ninh Thắng mở rộng diện tích lên trên 15 ha, kết hợp đầu tư hệ thống hạ tầng phục vụ du khách thăm quan, du lịch.
Anh Kiều Cao Dũng - Công ty Cổ phần Sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Hali (huyện Hoa Lư, Ninh Bình) - chia sẻ, từng có nhiều năm kinh nghiệm trong ngành Khách sạn ở vị trí quản lý. Tuy nhiên, năm 2016, một dịp vô tình biết đến nghệ thuật làm hoa khô bất tử, anh đã quyết định từ bỏ công việc ổn định ở khách sạn để rẽ sang một hướng đi mới với dự án "Viết tiếp phần đời cho sen". Và sau đấy là hàng loạt những sản phẩm mới từ sen được ra đời như: nón làm từ lá sen, tranh, hoa sen, quạt được làm từ giấy sen điệp, lá sen...
Chị Lê Thanh Huyền - Giám đốc Công ty Cổ phần Sản xuất, xuất nhập khẩu và thương mại dịch vụ Hali - cho biết, công ty đang sở hữu một chuỗi sản xuất liên quan đến các sản phẩm từ sen, nối dài chuỗi giá trị từ loài hoa đặc biệt này như cung ứng sen giống, trồng sen lấy hoa, hạt, củ, làm trà ướp hoa sen, trà lá sen kết hợp với làm các dịch vụ du lịch.
"Công ty đang sản xuất nhiều sản phẩm du lịch được làm từ sen như nón làm từ lá sen, tranh, hoa sen, quạt được làm từ giấy sen điệp, lá sen. Đặc biệt những chiếc quạt và tranh được làm từ giấy sen được lên ý tưởng và vẽ lên những hình ảnh mang đậm bản sắc của người Việt trong tranh Đông Hồ, di tích lịch sử của Việt Nam nhằm quảng bá văn hóa Việt đến với du khách trong và ngoài nước. Những sản phẩm này bước đầu đã gây được ấn tượng đối với du khách trong nước và quốc tế" - chị Huyền chia sẻ.
Cũng theo chị Huyền, các sản phẩm từ sen của công ty đang trưng bày tại một số điểm du lịch của tỉnh Ninh Bình và thành phố Hà Nội. Đặc biệt, sản phẩm trà sen đã được chứng nhận sản phẩm OCOP và các sản phẩm làm từ sen thường xuyên được trưng bày tại các hội nghị, hội chợ giới thiệu các sản phẩm đặc trưng của địa phương.
"Các sản phẩm này đã được xuất bán tại thị trường Mỹ, Nhật Bản. Nhờ đó, công ty đã tạo việc làm thường xuyên cho hàng chục lao động tại địa phương với mức lương 5-6 triệu đồng/tháng. Doanh thu của các sản phẩm này từ đầu năm 2023 đến hết tháng 10 đạt khoảng 300 - 400 triệu đồng" - chị Huyền chia sẻ.
Ông Lưu Quang Minh - Phó Chủ tịch UBND huyện Hoa Lư - cho biết, vào tháng 8.2023 vừa qua, Sở Khoa học và Công nghệ tỉnh Ninh Bình phối hợp với UBND huyện Hoa Lư và Trung tâm nghiên cứu, chuyển giao công nghệ Âu Mỹ tổ chức hội nghị công bố nhãn hiệu chứng nhận "Sen Hoa Lư - Ninh Bình".
UBND huyện Hoa Lư cũng đã trao Giấy chứng nhận quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận “Sen Hoa Lư - Ninh Bình” cho 3 doanh nghiệp tiêu biểu gồm: Công ty Trách nhiệm hữu hạn Nông nghiệp sạch Ninh Thắng, Công ty Cổ phần Sản xuất, xuất nhập khẩu, thương mại dịch vụ Tập đoàn Hali và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Một thành viên Thương mại du lịch Lạc Hồng kèm theo quy chế quản lý và sử dụng nhãn hiệu chứng nhận "Sen Hoa Lư - Ninh Bình" dùng cho sản phẩm từ cây sen của huyện Hoa Lư, tỉnh Ninh Bình.