Một cuốn sách nhan đề giản dị nhưng đáng suy ngẫm

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sĩ Hậu |

LTS: Vào cuối tháng 9.2019, cuốn ký gần 500 trang “Ngô Văn Dụ, người làng Rau” của nhà thơ, nhà báo Trần Quang Quý ra mắt bạn đọc viết về cuộc đời nguyên giảng viên Đại học Kinh tế quốc dân, lính đường ống xăng dầu Trường Sơn trong chống Mỹ, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương Đảng Ngô Văn Dụ (giai đoạn từ lính xăng dầu về trước); đã có nhiều báo Trung ương đưa tin... Trong lần ra sách ấy, Kỹ sư Bách khoa Hà Nội, Thiếu tướng Hồ Sĩ Hậu (tác giả tiểu thuyết “Dòng sông mang lửa”) là đồng đội của anh Ngô Văn Dụ, cũng là người thiết kế nhiều đoạn đường ống và chứng kiến nhiều hy sinh gian khổ của những lính xăng dầu trong chiến tranh đã có bài viết với cái tên giản dị như trên. Lao Động Cuối tuần xin giới thiệu bài viết này.
 
1. Ngô Văn Dụ - Người làng Rau. Một cuốn sách với nhan đề giản dị, nhưng lại viết về một Ủy viên Bộ Chính trị, chứa đựng nhiều nội dung khiến ta suy nghĩ. Cuốn sách không viết về thời ở vị trí cao, mà viết về thời kỳ có thể gọi là “hàn vi” của anh: Thuở bé cha mất sớm, ngồi trong một đầu quang mẹ gánh chạy càn giặc Pháp; cuộc sống nghèo khó, luôn trong điều kiện “thịt cá là hương hoa, tương cà là gia bản”; nỗi vất vả của sinh viên, gian truân của người lính, nỗi day dứt vì phải xa gia đình, bỏ mặc vợ ở một mình ở nhà nuôi hai con thời “gạo châu củi quế”. Đó là thời của một người không quyền lực. Nghèo khó, gian truân và không quyền lực chính là môi trường hình thành nên bản chất thực của con người để sau này, dù đứng ở mọi cương vị cao, anh vẫn là Ngô Văn Dụ hiền lành, nhân hậu với bạn bè đồng đội.

Cách chọn thời gian, cách khai thác tư liệu của cuốn sách khiến cho người đọc cảm thấy nhân vật gần gũi với mình. Thư và nhật ký, đó là những gì phản ánh thật nhất của con người. Đã nửa thế kỷ trôi qua, người vợ thủy chung vẫn bảo quản đầy đủ những lá thư, những trang nhật ký của anh để bây giờ qua đó, chúng ta có điều kiện nhận chân một con người.

Tôi là đồng đội của anh trong binh chủng đường ống xăng dầu Trường Sơn. Sau hiệp định Paris, Trung đoàn 537 của anh là đơn vị duy nhất của bộ đội đường ống Trường Sơn còn bị biệt kích và máy bay của quân đội Sài Gòn đánh phá, rồi sau đó là công tác trong điều kiện chống Phun-rô và khắc nghiệt của những người lính làm kinh tế trên Tây Nguyên, nên anh đã nếm trải mọi gian nan vất vả của một người lính Trường Sơn không chỉ trong chiến tranh chống Mỹ mà cả thời hòa bình.

Cuốn sách cho ta thấy trong cuộc sống anh luôn được mọi người yêu mến. Thời học sinh sinh viên, thầy giáo yêu quý cái đức ham học và sơ tán thì quý cái tình “hiền lành như con gái”. Các cô gái như cô Thi, cô Thơm, rồi cô Lệ Xóm Bến... thì yêu quý trong lòng nhưng chẳng ai nói được thành lời. Quãng đời gian truân đã đi qua bao miền đất, bao nẻo chiến trường. Với con người giỏi văn và giàu tâm hồn như anh thì mỗi địa chỉ đều là kỷ niệm sâu đậm, như Chế Lan Viên từng viết: “Khi ta ở chỉ là nơi đất ở/ Khi ta đi, đất bỗng hóa tâm hồn”. Khi đã là người thành đạt, anh dành thời gian trở lại thăm người cũ, đất cũ với tình cảm ấm cúng khiêm nhường. Chính cái tình ấy làm cho đồng đội từ những người lính bình thường đến những sĩ quan từng công tác với anh ở Trung đoàn đường ống 537 hoặc sư đoàn 471 cảm thấy anh mãi là người bạn sẵn sàng chia sẻ mọi điều cùng họ.

2. Tình cảm gia đình là một nét đậm trong đoạn đời hàn vi của Ngô Văn Dụ. Tình cảm ấy bền chặt mãi đến ngày nay, khi anh đã đạt tới đỉnh cao của sự nghiệp và vợ chồng đã thành ông, thành bà. Thời trẻ tuổi, như bao thanh niên khác, anh từng có những mối tình thoáng qua với cô T, cô Đ..., nhưng khi đã yêu chị Hiền thì mối tình thật chung thủy và trong sáng. Nhật ký Ngô Văn Dụ luôn thấm đẫm tình chồng vợ, đã có lúc anh muốn đề cập thẳng với tổ chức nguyện vọng về với gia đình. Đó là tình cảm chân thực anh không cần giấu giếm. Khi tôi vào lính, chưa vợ con, đi B thanh thản lắm. Vậy mà khi chiến tranh biên giới nổ ra, là người cha rồi, chuẩn bị ra mặt trận thì trong lòng không sao tránh khỏi ngậm ngùi. Xa gia đình khiến anh day dứt. Anh biết ở quê hương, có nhiều đêm chị Hiền khóc tủi thân vì thời gian đằng đẵng mà ba mẹ con cứ thui thủi thiếu thốn tình cảm, khổ cực mưu sinh. Sự day dứt trở nên đau đớn khi cháu thứ hai qua đời mà cha lại vắng nhà. Vượt qua mọi mất mát ấy, tình cảm với gia đình của anh đã đến được cái kết trọn vẹn.

Những điều nói trên là nói về Ngô Văn Dụ với vai của một thanh niên của cái thời gian khổ, sục sôi và đáng tự hào của đất nước. Nhưng đây là cuốn sách viết về một người sau này thành Ủy viên Bộ Chính trị của Đảng, thì hẳn là phải thấy từ đoạn đời đó những điều gì khác biệt? Thật ra chẳng có gì đặc biệt, mà chỉ là những nét nổi bật hơn chúng bạn và hợp với quy luật.

Ngay từ trang đầu cuốn sách là tấm ảnh Ngô Văn Dụ thời trai trẻ với một câu triết lý của anh: “Hãy sống sao cho mỗi ngày ta đã sống trở thành quá khứ của ngày mai, cái quá khứ nếu không phải là điều tự hào thì ít nhất không phải là điều làm ta ân hận”. Đó là triết lý của một người có ý chí, hoãi bão, mang trong mình một lẽ sống cao đẹp. Tất nhiên để thể hiện được mạch lạc, khúc triết, phải là của một học sinh giỏi văn. Anh Dụ chỉ kém tôi một tuổi nên có thể coi là cùng trang lứa. Thời ấy chúng tôi thường sống trong những triết lý như vậy. Chúng thấm đẫm nhân sinh quan của Nicolai Ostropski trong cuốn “Thép đã tôi thế đấy”. Những quan điểm như vậy có thể thấy khá nhiều trong những trang nhật ký, những lá thư, những bài thơ của anh. Chẳng hạn: “Cánh chim khỏe quá chim ơi/ Ước gì chim đúng là đời của ta”, hoặc: “Cuộc đời là cái thang không không nấc chót/ Học tập là quyển vở không trang cuối cùng”... Thời là lính Trường Sơn, sau khi đọc Thung lũng Cô Tan, cuốn tiểu thuyết mà dân kỹ thuật chúng tôi hồi đó rất thích, Ngô Văn Dụ đã viết những cảm nghĩ sâu sắc, được tác giả cuốn sách in đậm một đoạn ở trang 329. Trong đó có câu tôi rất tâm đắc: “Anh sẽ không có sự nghiệp gì cả nếu trong đời anh không có ước mơ. Nhưng anh cũng chán những ước mơ nhất, nếu như anh chỉ có những ước mơ hão huyền”...

3. Cuốn sách cũng cho ta thấy Ngô Văn Dụ từ thời mới chỉ là một sĩ quan cấp úy trẻ tuổi đã biết rút ra những tri kiến về quản lý. Trong nhật ký viết tháng 12.1979, anh đã phân cán bộ ra làm bốn loại giống như cách thời nay người ta vẫn làm.

Tất nhiên, dù là tài giỏi đến mấy thì cũng phải được những người lãnh đạo trên cao hiểu mình, và những người thực tài thì điều đó trước sau cũng đến. Ngô Văn Dụ, thời còn là học sinh, được thầy Thủy dạy văn yêu quý. Khi anh đoạt giải Nhất văn tĩnh Vĩnh Phúc, thầy đãi thịt cừu và thịt thỏ, rồi vỗ vai anh “Lớn nhanh đi nào!”. Trong câu giản dị ấy, thầy đã thấy trong con người anh những triển vọng lớn lao trên đường đời. Khi ở bộ đội, anh may mắn được làm việc dưới quyền của Sư trưởng Cao Văn Hòa. Qua xử lý công việc, qua những lần tâm sự của hai thầy trò, Sư trưởng Cao Văn Hòa đã phát hiện ở anh một cán bộ ngay thẳng, đầy tiềm năng phát triển, và sẽ lãng phí nếu cứ ở môi trường quân đội hiện tại. Bởi vậy, khi đơn vị chuẩn bị di chuyển đi làm đường ở Campuchia, ông đã không bỏ lỡ cơ hội giới thiệu chàng kỹ sư kinh tế nông nghiệp với Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp Nguyễn Công Tạn. Ngô Văn Dụ đã không phụ sự kỳ vọng của thầy Thủy, sự đánh giá của Sư trưởng Cao Văn Hòa và sự tin tưởng của Thứ trưởng Nguyễn Công Tạn. Được đặt vào môi trường mới, phẩm chất và năng lực của anh như một mầm cây khỏe mạnh gặp đất tốt, đã nhanh chóng lớn lên thành đại thụ.

Đọc cuốn sách này, tôi còn muốn nói lời cảm ơn với tác giả Trần Quang Quý vì anh đã nghiên cứu rất nhiều tài liệu về bộ đội xăng dầu đường ống, binh chủng của anh Dụ, của chúng tôi. Những trang viết trân trọng, cảm thông với nỗi vất vả, máu xương của những chiến sĩ xăng dầu Trường Sơn, thậm chí hiểu rõ cả những vấn đề kỹ thuật cụ thể. Tư lệnh Đồng Sĩ Nguyên đánh giá: “Nếu đường Trường Sơn là huyền thoại, thì đường ống xăng dầu là huyền thoại trong huyền thoại đó”. Chúng tôi đã chiến đấu bên nhau, chia bom sẻ đạn cùng nhau nên tình cảm sâu nặng lắm. Bởi vậy, khi gấp cuốn sách lại, nó cho tôi cảm giác đây là cuốn sách viết về đồng đội mình, hơn là viết về một người lãnh đạo cao cấp.

Thiếu tướng, nhà văn Hồ Sĩ Hậu
TIN LIÊN QUAN

Lào Cai ghi nhận ca "vi khuẩn ăn thịt người" đầu tiên

Đinh Đại |

Ngành Y tế Lào Cai vừa phát hiện trường hợp đầu tiên mắc bệnh Whitmore còn gọi là "vi khuẩn ăn thịt người".

Bảng giá đất mới tại TPHCM dự kiến ban hành trước 15.10

MINH QUÂN |

TPHCM dự kiến ban hành bảng giá đất mới trước ngày 15.10 nhằm khắc phục những bất cập của bảng giá đất hiện tại.

Cập nhật giá vàng chốt phiên 27.9: Bứt phá mạnh mẽ

Khương Duy |

Cập nhật giá vàng chốt phiên 27.9: Đà tăng của vàng gần như không có vật cản. Giá vàng thế giới đang giao dịch quanh ngưỡng cao nhất mọi thời đại.

Em trai của Trương Mỹ Lan xin lại số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh

Tâm Tú |

TPHCM - Tại phiên tòa Vạn Thịnh Phát giai đoạn 2, đại diện ông Trương Mễ (em trai Trương Mỹ Lan) xin tòa giải tỏa kê biên số tiền 10 tỉ đồng để trị bệnh.

Xử lý vi phạm tại bến đò Cồn Nhì sau phản ánh của Lao Động

TRUNG DU |

Thái Bình - Cơ quan chức năng đã kiểm tra, xử lý loạt vi phạm tại bến khách ngang sông Cồn Nhì.

2 phút cướp ôtô rồi gây ra 6 vụ tai nạn khiến 7 người thương vong ở Cần Thơ

Tạ Quang - Yến Phương |

Cần Thơ - Sự việc xảy ra quá nhanh, quá trình cướp xe của đối tượng dương tính với ma túy chỉ diễn ra trong vòng 2 phút.

Tiền phạt quá tiền công, tài xế nói "quyết không chở nữa"

Tô Thế |

Nhận chuyển hàng cồng kềnh với hơn 100 nghìn đồng tiền cước. Tuy nhiên, nhiều tài xế bị CSGT Hà Nội phát hiện xử lý, tiền phạt gấp nhiều lần tiền công.

Còn 9 nạn nhân mất tích trong vụ lở núi ở Làng Nủ

Đinh Đại |

Lào Cai - Lực lượng chức năng huyện Bảo Yên đã tìm thấy thi thể một nạn nhân mất tích trong vụ lở núi xảy ra tại thôn Làng Nủ, xã Phúc Khánh.