Tối 28.9, Bạc Liêu long trọng tổ chức kỷ niệm Ngày sân khấu Việt Nam.
Bạc Liêu nơi sản sinh ra bài “Dạ cổ hoài lang” của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu. Vào trung tuần tháng 8 âm lịch cách nay 101 năm, cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu đã sáng tác ra bản nhạc bất hủ, đặt tiền đề cho sự ra đời bài vọng cổ sau này.
Năm nay, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch tỉnh Bạc Liêu tổ chức nhiều hoạt động trong ngày 12.8 âm lịch như lễ thắp hương tưởng niệm cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu tại Khu lưu niệm nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và nhạc sĩ Cao Văn Lầu (TP Bạc Liêu); chương trình nghệ thuật chào mừng kỷ niệm 101 năm ngày ra đời bản “Dạ cổ hoài lang”...
Lễ kỷ niệm nhằm tôn vinh, tri ân sự đóng góp của cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) , tác giả của bản "Dạ cổ hoài lang" và các bậc tiền nhân; ghi nhận sự cống hiến của các nghệ nhân, nghệ sĩ, soạn giả đã có công phát triển bản "Dạ cổ hoài lang" và xây dựng phát triển nền nghệ thuật sân khấu Việt Nam nói chung, sân khấu cải lương nói riêng.
Cách đây 101 năm (1919), cố nhạc sĩ Cao Văn Lầu (1892 - 1976) đã cho ra đời bản "Dạ cổ hoài lang", là nỗi niềm của những người dân trên vùng đất mới được khẩn hoang trước biết bao bất công của xã hội và những đau khổ do chiến tranh gây ra.
Đất Bạc Liêu xưa có các bậc tiền nhân trong tài tử cải lương, sân khấu như: Lê Tài Khí, Cao Văn Lầu... đến Trọng Nguyễn, Yên Lang… và nay là những thế hệ trẻ nối nghiệp như Mỹ Hạnh, Hồng Nhiên, Diễm My, Ngọc Đợi, Hoàng Dững… Tất cả đều năng động, đầy nhiệt huyết tiếp bước trên con đường sân khấu cải lương.