Ngôi nhà ché đại ngàn
Trong không gian trưng bày "Ngôi nhà ché đại ngàn", anh Luân tâm sự: "Tình yêu của tôi với đồ cổ, gốm sứ đến rất tình cờ. Năm 2013, tôi mua được căn nhà đầu tiên, bắt đầu mua những đồ vật về trang trí nhà cửa.
Thấy được những hiện vật xưa cũ có hồn sâu lắng, thế là tôi mua về trang trí, sau tiếp tục nghiên cứu về cổ vật, từ đó bén duyên. Đến năm 2017, tôi tham gia triển lãm minh văn trên gốm Nam Bộ và thấy có chủ đề Tây Nguyên cũng bắt đầu sưu tập chuyên về văn hoá vùng này trên gốm".
Bộ sưu tập của anh Luân đang có hàng trăm chiếc ché từ Biên Hòa, Lái Thiêu... Rất nhiều lễ hội của người đồng bào ở Tây Nguyên được khắc, vẽ rất sinh động trên mỗi món đồ gốm Biên Hoà mà anh Luân sưu tầm được.
Có thể ví như lễ hội đâm trâu, lễ hội cồng chiêng, săn bắt thú, đàn T’Rưng, hay lễ hội săn voi... Vì lẽ đó, những dòng chóe như vậy rất có giá trị về mặt thẩm mĩ, lẫn lịch sử. Rất ý người ở Việt Nam có thể săn lùng, tìm kiếm cho riêng mình một bộ sưu tầm ché độc đáo, tinh tế như vậy.
Anh Luân thích gốm Nam Bộ, đặc biệt gốm Biên Hòa có chủ đề Tây Nguyên thế kỉ XX. Đa phần, hiện vật đang sở hữu đều được anh truy lùng mua qua mạng hoặc các nhà sưu tập lớn tặng.
Điều mà tôi cảm thấy thích thú, ấn tượng ở anh Luân đó là sự năng động, nhiệt tình và tình yêu rất lớn đối với nét đẹp văn hoá đặc trưng của vùng Tây Nguyên. Anh có thể ngồi hàng giờ giới thiệu nguồn gốc, xuất xứ, giá trị nghệ thuật những món đồ mình sưu tầm được, một cách say sưa.
Thực tế, không phải ai cũng chơi đồ cổ được, dẫu có tiền nhưng thiếu "duyên" cũng đành chịu. Rất nhiều người "thèm" chơi đồ cổ, sẵn sàng ra giá cả trăm triệu đồng, thậm chí cả chục tỉ nhưng chủ nhân món đồ vẫn nhất quyết không bán.
"Bản thân tôi chưa muốn bán bất kỳ món đồ nào đang trưng bày, sưu tầm ở nhà. Bởi, mỗi món đồ đều gắn với những kỷ niệm đặc biệt, khó phai. Có rất nhiều món cổ vật tôi phải bỏ công sức, thời gian nhiều tháng săn lùng, tìm mua cho bằng được. Đã là niềm đam mê, thú vui thì rất khó đem đi "cân đo đong đếm" bằng tiền, anh Luân nói.
Nơi lưu giữ "báu vật" Tây Nguyên
Được biết, bộ sưu tập gốm sứ của anh Luân được phía Sở Văn hoá Thể thao và Du lịch tỉnh Đắk Lắk đánh giá cao. Bởi, nó góp phần quan trọng trong việc bảo tồn những giá trị văn hóa của Tây Nguyên thông qua nghệ thuật gốm.
Ngoài ra, phía Bảo tàng tỉnh Đắk Lắk cũng sẵn sàng giúp đỡ cho anh Luân về chuyên môn, trưng bày, thuyết minh… các sản phẩm của mình.
Những món đồ cổ, hiện vật của anh Luân ngoài việc để thoả mãn thú vui, niềm đam mê của bản thân còn có thể giúp lớp trẻ ở địa phương tìm hiểu thêm về nét văn hoá, lịch sử lâu đời của Tây Nguyên đại ngàn.
Bản thân anh cũng sẵng sàng bỏ thời gian công việc của mình để "săn lùng" những món đồ gốm, cổ vật liên quan đến văn hoá vùng này để bổ sung thêm cho bộ sưu tập hiện có.
Anh Luân bộc bạch: "Tâm nguyện của tôi là muốn "Ngôi nhà ché đại ngàn" trở thành nơi lưu giữ và bảo tồn các hiện vật quý giá nhất của vùng đất Tây Nguyên. Qua đó, để các báu vật Tây Nguyên không bị thất thoát và bán ra nước ngoài; góp phần bảo vệ di sản của cha ông để lại cho con cháu mai sau".
Hiện, anh Luân là hội viên Câu lạc bộ nghiên cứu sưu tầm cổ vật, thuộc Hiệp hội UNESCO Việt Nam, Ủy viên Ban chấp hành Hội cổ vật tỉnh An Giang. Gần 10 năm tham gia nghiên cứu, sưu tầm văn vật, nhà sưu tập Minh Luân đã có nhiều đóng góp cho hoạt động bảo tồn và phát huy di sản văn hóa dân tộc.