Người đa tài
Ấn tượng về ông trước hết ở đôi mắt hóm hỉnh hay cười và bộ ria bạc được cắt xén cẩn thận. Ngoài đời, Lê Cung Bắc là một người hào sảng, sống chân thành và luôn hết lòng, đắm đuối vì công việc. Ông là người đa tài, ham học hỏi, giàu vốn sống trải nghiệm, hội tụ nhiều phẩm chất của một người làm nghệ thuật.Sinh năm 1946 tại mảnh đất miền Trung nắng gió Quảng Trị, nghệ sĩ Lê Cung Bắc từng theo học trường Chính trị Kinh doanh tại Viện Đại học Đà Lạt và tốt nghiệp Cao học Quản trị Kinh doanh tại Sài Gòn. Thời còn là sinh viên, Lê Cung Bắc đã thành lập Ban kịch Thụ Nhân, khá nổi danh trong giới sinh viên các trường đại học miền Nam. Ông cũng tham gia đóng kịch trước năm 1975, từng được cử đi nghiên cứu ngành kịch nói tại Pháp và Canada năm 1974. Sau năm 1975, ông tham gia Đoàn kịch nói Bông Hồng một thời gian ngắn và chính thức chuyển qua lĩnh vực điện ảnh từ năm 1982.
Trong khoảng 10 năm, ông đã có trên 200 vai diễn điện ảnh và truyền hình. Các vai diễn của Lê Cung Bắc khá đa dạng và được khán giả mến mộ. Trong một lần trả lời phỏng vấn Đài truyền hình TPHCM, Lê Cung Bắc tâm sự: “Ngày đó, với nhiệt huyết tuổi trẻ và đam mê, chúng tôi rất hào hứng làm nghề, chỉ cần được làm nghệ thuật là hạnh phúc lắm. Thời gian này cũng chưa có công nghệ lăng-xê rầm rộ như bây giờ nên mọi người cứ âm thầm làm. Đất nước mới giải phóng, ai nấy đều khó khăn, thiếu thốn, nhưng tình cảm thì không thiếu. Đôi khi tôi ngồi nhớ lại cảm thấy rất vui. Bước sang thập niên 90, mọi thứ dần phát triển, tôi được các đạo diễn từ Bắc đến Nam mời đóng phim nhiều, có lúc một ngày tôi tham gia 3 phim”. Ông nhớ nhất là vai diễn trong bộ phim “Con thú tật nguyền” và nhân vật lão cùi trong “Dấu ấn của quỷ”, bởi đây là những vai diễn gai góc, nhiều đất diễn. Dù với Lê Cung Bắc thì bất kỳ vai nào, lớn hay nhỏ, khi đã nhận là hết mình hóa thân vào nhân vật.
Đạo diễn và nàng thơ
Tuy nhiên, làm diễn viên không thỏa chí tang bồng của Lê Cung Bắc. Ông quyết định làm đạo diễn phim và khởi đầu bằng một số phim video của Hãng phim Giải Phóng như “Trên cả hận thù”, “Ta tắm ao ta”, “Giọt lệ chưa khô”... Dấu mốc đầu tiên đánh dấu cái tên Lê Cung Bắc với vai trò đạo diễn là năm 1994 với bộ phim nhựa đầu tiên “Nhịp đập trái tim” ông được Hội Điện ảnh Việt Nam trao giải thưởng “Đạo diễn phim nhựa đầu tay”.
Một năm sau, ông được Đài Truyền hình TP.Hồ Chí Minh mời về làm bộ phim “Người đẹp Tây Đô”, phim truyền hình nhiều tập đầu tiên của hãng phim TFS. Một tác phẩm đặc biệt thành công về nữ điệp báo viên Bạch Cúc, được khán giả truyền hình cả nước yêu thích. Và cùng với những phim “Không thể rẽ trái”, “Dòng đời” , “Vó ngựa trời Nam”… sau này, dấu tay trong nghề đạo diễn của Lê Cung Bắc ngày càng đậm nét.
Phim của ông không những giành được cảm tình của khán giả mà còn đoạt Huy chương vàng tại các Liên hoan phim truyền hình toàn quốc. Đặc biệt, 52 tập phim “Dòng đời” đã mang về 3 giải thưởng Đạo diễn, Quay phim và Nữ diễn viên chính xuất sắc nhất cho đạo diễn Lê Cung Bắc, Đồng Anh Quốc và Võ Sông Hương trong cuộc bình chọn của khán giả do HTV tổ chức năm 2001. Hay “Vó ngựa trời Nam” - phim truyền hình lịch sử đã giành cho hãng phim TFS 3 Huy chương vàng ở hạng mục: Phim xuất sắc nhất, Quay phim xuất sắc nhất và Nam diễn viên chính xuất sắc nhất trong Liên hoan phim truyền hình toàn quốc và 3 giải Cánh Diều Vàng - Đạo diễn xuất sắc nhất phim truyền hình, Nam diễn viên chính xuất sắc nhất và Cánh Diều Bạc cho bộ phim tại giải Cánh Diều của Hội Điện ảnh Việt Nam.
Nhiều bộ phim khác của đạo diễn Lê Cung Bắc như “Cõi tình”, “Xóm cũ”, “Vì một ngày mai”, “Họ từng chung kẻ thù”, “Duyên phận”, “Những chiếc lá thời gian”, “Bẫy tình”... và sau này là “Những đóa hoa tình yêu” (32 tập), “Nơi trái tim ở lại”, “Ngược sóng” tiếp tục khẳng định sức lao động sáng tạo không mệt mỏi của ông. Một bộ phim truyện nhựa sau này của ông cũng rất đáng chú ý là “Duyên trần thoát tục” về chủ đề Phật giáo.
Người ta bảo trong các phim của đạo diễn Lê Cung Bắc, 2 nàng thơ tài sắc nổi trội là người đẹp Việt Trinh và Võ Sông Hương. Dưới bàn tay chỉ đạo của Lê Cung Bắc, Việt Trinh có vai diễn xuất thần nữ tình báo Bạch Cúc trong “Người đẹp Tây đô” còn Võ Sông Hương nổi bật trong “Không thể rẽ trái” và “Dòng đời”. Cả hai gương mặt đều mang vẻ đẹp mộc mạc đồng quê, đặc biệt là Võ Sông Hương.
Sinh thời, đạo diễn Lê Cung Bắc thường nói 2 câu: Thứ nhất là nghệ thuật vị nghệ thuật (l’art pour l’art). Thứ hai là nghệ thuật vị nhân sinh (l’art pour la vie). Và phim của ông cố gắng vừa nghệ thuật vừa nhân sinh.