Xoay quanh cuộc đời, mối quan hệ giữa cố nhạc sĩ Trịnh Công Sơn và các bóng hồng đi qua đời ông, bộ phim “Em và Trịnh” có được dàn nữ chính được ngợi khen về ngoại hình, nhan sắc.
Được ngợi khen nhiều nhất về diễn xuất là ca sĩ Bùi Lan Hương, trong vai Khánh Ly. Lần đầu đóng phim điện ảnh, Bùi Lan Hương không cho thấy sự tay ngang, mà thể hiện khả năng diễn xuất nổi trội. Bùi Lan Hương diễn mắt, diễn thoại đều ấn tượng. Dưới màn trình diễn của Bùi Lan Hương, nhân vật Khánh Ly hiện lên sinh động, cá tính, đầy thu hút. Mỗi lời thoại đều được diễn với ánh mắt sáng, thông minh. Mỗi phần trình diễn “Người con gái Việt Nam da vàng”, “Ta đã thấy gì”... đều ấn tượng.
Ngoài Bùi Lan Hương, diễn viên trẻ Hoàng Hà trong vai Dao Ánh thời trẻ được ngợi khen về ngoại hình và sự tròn vai. Hoàng Hà trong mỗi phân cảnh đều thể hiện được sự tươi trẻ, trong sáng, thuần khiết của nhân vật Dao Ánh. Hoàng Hà mang đến sự tươi mát, trong trẻo để mỗi kiệt tác của Trịnh được vang lên đầy cảm xúc.
Giữa dàn mỹ nhân được đầu tư, Phạm Quỳnh Anh – trong vai Dao Ánh ở tuổi trưởng thành trở thành điểm yếu nhất của “Em và Trịnh”. Là ca sĩ, nhưng Phạm Quỳnh Anh đã từng tham gia đóng phim trước đây, tiêu biểu có thể kể đến “Chàng trai năm ấy”.
Hoạt động nghệ thuật có thâm niên, song màn thể hiện của Phạm Quỳnh Anh ở “Em và Trịnh” hoàn toàn lạc tông so với các diễn viên còn lại.
Kỹ năng diễn xuất hạn chế, sự biểu cảm trên gương mặt của Phạm Quỳnh Anh trong vai Dao Ánh lúc trưởng thành gần như không để lại bất kỳ cảm xúc nào. Thêm vào đó, đài từ cứng khiến phần thoại của Phạm Quỳnh Anh bị đơ, đọc thoại như trả bài.
Dao Ánh tuổi trưởng thành trở về Việt Nam sau nhiều năm xuất ngoại lấy chồng, cô bắt gặp bức thư cũ chưa kịp đọc của nhạc sĩ Trịnh Công Sơn, Dao Ánh đầy cảm xúc và nhận ra cô chưa bao giờ quên Trịnh.
Diễn biến tâm lý của nhân vật Dao Ánh lúc trưởng thành được dẫn dắt từ quá khứ đến hiện tại. Nhân vật cũng được đầu tư nhiều cảnh quay đẹp, ẩn chứa những cảm xúc kéo dài suốt nhiều năm, đơn cử như cảnh trên chạy trên sân ga với nhiều hồi ức.
Tuy nhiên, Phạm Quỳnh Anh đã không thể mang đến cảm xúc cho khán giả. Việc diễn xuất cứng, thoại như trả bài đã khiến Dao Ánh của Phạm Quỳnh Anh thất bại. Sự thất bại này kéo theo tình tiết Trịnh vì tình cũ mà bỏ lỡ chuyện trăm năm với Michiko trở nên thiếu thuyết phục.
Phạm Quỳnh Anh không cho thấy được sự kết nối dai dẳng, mãnh liệt giữa Dao Ánh và Trịnh Công Sơn trong nhiều năm, vắt từ quá khứ sang hiện tại.
“Em và Trịnh” hiện vẫn bùng nổ những tranh cãi “bất phân thắng bại” khi ra rạp. Hầu hết tranh cãi đều tập trung vào nhân vật Trịnh Công Sơn của phim, khi nhiều khán giả khen Trịnh giàu cảm xúc, nhiều khán giả lại cho rằng phim không tái hiện được Trịnh Công Sơn chân thực, xứng tầm.
Trong rất nhiều tranh cãi trái chiều về nội dung, về nhân vật Trịnh Công Sơn, thì việc Phạm Quỳnh Anh là một điểm yếu của phim lại là điều không thể phủ nhận.