Trước tình hình dịch bệnh bùng phát tại Quảng Ninh và Hải Dương, ông Lương Đức Thắng – Phó Cục trưởng Cục Văn hóa Cơ sở (Bộ VHTTDL) cho biết, Bộ VHTTDL đã chuẩn bị sẵn sàng kịch bản, phổ biến và phân cấp thẩm quyền từng địa phương chịu trách nhiệm trong việc phòng tránh, ứng phó với dịch bệnh theo đúng chỉ thị.
Ví dụ tại tỉnh Quảng Ninh, các cơ quan ban ngành tại Quảng Ninh phòng chống dịch sẽ phải có báo cáo và trình thường trực UBND chi tiết về dịch bệnh cũng như cách ứng phó tùy theo tình hình cụ thể.
Còn đối với các hoạt động liên quan đến ngành văn hóa thể thao và du lịch, Bộ sẽ cử các đoàn đi kiểm tra trước và sau Tết. Hiện đã thực hiện kiểm tra tại một số địa phương về công tác phòng chống dịch.
Đồng thời, Bộ VHTTDL cũng chỉ đạo Sở VHTTDL, Sở VHTT, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch các tỉnh/thành phố trực thuộc trung ương phối hợp chặt chẽ với Sở Y tế và các cơ quan, ban ngành, đoàn thể tại địa phương thường xuyên cập nhật, theo dõi tình hình dịch bệnh, kịp thời thông tin đầy đủ đến người dân và du khách; Đẩy mạnh công tác tuyên truyền tại lễ hội và di tích về các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Đối với trường hợp dịch bệnh bùng phát, nguy cơ lây nhiễm trong cộng đồng sẽ phải căn cứ tình hình thực tế, chỉ đạo thực hiện nghiêm biện pháp tạm ngừng tổ chức lễ hội theo đúng quy định của Chính phủ.
Ngoài ra, nhằm tiếp tục thực hiện nghiêm các yêu cầu của Thủ tướng Chính phủ với mục tiêu kép: vừa sẵn sàng phòng chống dịch, vừa đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội đồng thời nâng cao năng lực, hiệu quả công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021, Bộ VHTTDL ban hành văn bản số 4323/BVHTTDL ngày 19/11/2020 về công tác quản lý và tổ chức lễ hội năm 2021 và văn bản số 5050/BVHTTDL ngày 31/12/2020 về việc triển khai các biện pháp an toàn phòng chống dịch COVID-19.
Theo đó, đề xuất UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo các cơ quan ban, ngành tại địa phương tập trung triển khai các nội dung chính gồm thống kê, ra soát và phân loại lễ hội: lễ hội truyền thống, lễ hội văn hóa, lễ hội ngành nghề và lễ hội có nguồn gốc từ nước ngoài; Tuyên truyền, vận động nâng cao ý thức, trách nhiệm của các cấp, các ngành, nhân dân và du khách nghiêm túc thực hiện các quy định của Nhà nước về tổ chức lễ hội…
Ông Lương Đức Thắng cũng nhấn mạnh, để mùa lễ hội Tết diễn ra an toàn và lành mạnh, Bộ VHTTDL cũng đề nghị tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, giám sát trước, trong và sau khi tổ chức lễ hội, kịp thời ngăn chặn và xử lý nghiêm các vi phạm. Đặc biệt là các hành vi lợi dụng di tích, lễ hội để trục lợi, kích động bạo lực, lưu hành, kinh doanh văn hóa phẩm trái phép; không để việc tổ chức dâng sao giải hạn biến tướng thành dịch vụ mang tính trục lợi, ảnh hưởng đến nét đẹp văn hóa truyền thống của dân tộc; phát ấn không đúng với nguồn gốc lịch sử di tích, lễ hội; không để các đối tượng lợi dụng, lôi kéo đông người tại lễ hội để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động có dấu hiệu tà đạo, mê tín dị đoan, trái với thuần phong mỹ tục, vi phạm quy định về thực hiện nếp sống văn minh...