Vẽ như là hơi thở
Lên 4 tuổi, Chu bắt đầu cầm cọ vẽ, trong những giờ học ngoại khóa được mẹ hướng đến cho mấy anh em.
“Hồi đó, Chu học vẽ vào giờ ngoại khóa và cũng để khỏi chơi game” - chị Thu Sương, mẹ của Xèo Chu, cho biết. Nhưng dần dà, vẽ không còn là áp lực học hành, mà đã trở thành sở thích của Chu, trong khi các anh trai thì rẽ sang những sở thích khác. Chu vẽ những gì xung quanh, từ hoa, cây, lá, hay giàn bầu bí mẹ trồng trong vườn. Chu vẽ với sự hồn nhiên của một tuổi thơ trong trẻo, màu sắc tươi tắn, với cách sử dụng các game màu và sự phối màu bất chấp các nguyên tắc hay trường phái.
“Bởi Chu còn nhỏ, thích vẽ thì cứ vẽ chứ không bị câu nệ hay áp lực về lý thuyết hay trường phái, và không bị các nỗi sợ như những người lớn cầm cọ” - chị Sương cho hay. Còn Chu thổ lộ: “Vẽ bây giờ không chỉ là sở thích, mà nhiều khi giúp Chu như xả stress”. Tuy nhiên, Chu cũng chỉ vẽ khi rảnh rỗi, sau khi đã hoàn thành việc học.
Dần dần, những chuyến đi cùng người thân, gia đình cũng được Chu khắc họa lại, chủ yếu là phong cảnh. Chu cho biết, nhiều khi để nhớ, cậu bé phải ghi lại phong cảnh đó bằng điện thoại. Đó có thể là cánh rừng thu ở Canada, núi non hùng vĩ và ruộng bậc thang ở Mù Cang Chải. Trong phòng vẽ trên tầng 2 ở nhà, seri tranh về chuyến đi Mù Cang Chải vẫn đang được Xèo Chu thực hiện.
Thầy Hải Anh - người thỉnh thoảng kèm cặp và hỗ trợ Chu - cho hay: “Chu chỉ biết vẽ thôi chứ không để ý những chuyện khác, như vẽ để làm gì, đấu giá ra sao hay được bao nhiêu tiền”. Còn chị Thu Sương - mẹ Chu - trao đổi với tôi qua điện thoại và cười: “Xèo Chu không biết gì đâu, cũng không biết tiêu tiền. Gia đình không có mục đích để Chu vẽ mang đi đấu giá. Còn Chu nói không đấu giá thì con cũng vẽ”.
Thực tế cho đến nay, họa sĩ nhí Xèo Chu đã có vài cuộc đấu giá tranh, sau đó số tiền được người thân mang đi làm từ thiện như trao học bổng sinh viên nghèo, hỗ trợ học sinh ở những vùng khó khăn. Đó là Chu được biết vậy chứ cũng không để ý chuyện tiền nong. Ngay cả bức tranh “Hoa mai may mắn” của Xèo Chu được chuyển sang dạng tranh số theo công nghệ NFT (trên nền tảng công nghệ blockchain) đã bán thành công trên sàn Binance với mức giá hơn nửa tỉ đồng (xấp xỉ 22.900 USD) cũng thế, được sử dụng làm từ thiện. Họa sĩ nhí đến nay đã đấu giá tranh được nhiều tỉ đồng và đều được sử dụng cho mục đích từ thiện.
Đưa tranh ra thế giới bằng 2 kênh offline và online
Cùng với các cuộc đấu giá tranh, cho tới thời điểm này, Xèo Chu cũng đã thực hiện được 3 cuộc triển lãm tranh cá nhân, trong đó có 2 cuộc ở nước ngoài tại Singapore và New York. Tôi hỏi chị Thu Sương rằng, có phải Xèo Chu nhờ mối quan hệ quen biết của mẹ với hơn 20 năm trong lĩnh vực sưu tập và trưng bày tranh nên được mời trưng bày tranh ở nước ngoài hay không. Chị Thu Sương cho rằng: “Nếu chỉ nhờ mối quan hệ quen biết thì hàng chục năm qua, tôi đã có thể giúp cho nhiều họa sĩ khác rồi. Để mang được họa sĩ Việt Nam ra nước ngoài, không chỉ mối quan hệ quen biết mà được. Đối tác nước ngoài sẽ đánh giá về năng lực của tác giả, chất lượng, phong cách riêng thể hiện trong tác phẩm”.
Và tranh của Xèo Chu, sau khi được nhiều người biết tới, một số chủ phòng trưng bày ở nước ngoài đã chủ động liên hệ để mời Chu mang tranh sang trưng bày triển lãm.
Tuy nhiên, còn một con đường khác giúp Chu ra thế giới theo cách hoàn toàn không phụ thuộc vào mối quan hệ, mà chỉ có thể dựa vào chính tác phẩm và sự nhanh nhạy với việc ứng dụng công nghệ mới. Đó là trường hợp bức tranh “Hoa mai may mắn” (The Lucky Apricot Blossoms) của Xèo Chu được bán thành công với mức giá 22.899 USD trên sàn giao dịch NFT Binance. Đây cũng chính là trường hợp đầu tiên, tranh của một họa sĩ Việt, và lại là một họa sĩ nhí mới 14 tuổi, được số hóa bằng công nghệ NFT (Non-fungible token, tạo ra phiên bản duy nhất không thể cóp nhái) trên nền tảng blockchain bán thành công với giá trị khá cao trên sàn giao dịch tài sản số quốc tế.
Theo Chu, việc chuyển tác phẩm vật chất sang NFT là do anh hai Vạn Nguyên của Chu hỗ trợ, còn Chu chỉ biết là bức tranh nào được số hóa mà thôi. Cho tới thời điểm này, “Hoa mai may mắn” vẫn là bức tranh đầu tiên và duy nhất của Xèo Chu được chuyển sang NFT. Chị Thu Sương cho biết, chưa nghe nói cụ thể về việc tiếp tục NFT hóa các tác phẩm khác của Chu nhưng chắc là đã có chiến lược và sẽ thực hiện theo chuỗi tác phẩm.
Năm 2021, thị trường tài sản số NFT nóng lên trên thế giới và càng tạo được tiếng vang khi bức tranh ghép kỹ thuật số “Everydays: The First 5.000 Days” của nghệ sĩ Beeple bán đấu giá thành công với mức giá 69,3 triệu USD tại hãng Christie's danh tiếng. Ngoài ra, trên thế giới gần đây cũng còn nhiều tác phẩm số NFT khác được bán thành công với giá từ hàng triệu đến hàng chục triệu USD.
Trào lưu NFT đang thịnh hành và sự bắt nhịp vào trào lưu này của họa sĩ nhí Xèo Chu thông qua sự hỗ trợ của người thân cũng chính là một con đường mới mà các họa sĩ, nghệ sĩ khác của Việt Nam có thể tận dụng để đưa tác phẩm của mình tiếp cận với thị trường quốc tế. Và nó đặc biệt hữu ích đối với những họa sĩ chưa có điều kiện mang tranh trưng bày trực tiếp tại các phòng tranh trên thế giới.
Chị Thu Sương cho hay, mới đây, Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch đã quyết định chọn tranh của Xèo Chu tham gia triển lãm trong khuôn khổ Ngày Việt Nam tại Expo Dubai 2020 nhằm giới thiệu một dòng chảy văn hóa xuyên suốt từ các nghệ nhân lớn tuổi, lứa nghệ sĩ tên tuổi hiện tại cho đến họa sĩ nhí như Xèo Chu với những tác phẩm hội họa tươi đẹp và sáng tạo.