Vì sao bức ảnh bị “ném đá”?
Trên trang FB của cuộc thi HIPA, một số cư dân chúc mừng và có người còn trêu tác giả nên quay trở lại Việt Nam thăm ba mẹ con và cho họ 5.000 USD. Nhưng nhiều cư dân mạng lại tỏ ra thất vọng về chất lượng bức ảnh và đặc biệt số đông đặt câu hỏi đâu là sự thật của câu chuyện ảnh, khi đưa ra hình ảnh chụp tập thể của một nhóm nhiếp ảnh gia với ba mẹ con ở Yên Bái nọ.
Sự thật được tiết lộ từ trang web www.picsofasia.com, đây là một chuyến đi photo tour và nhân vật có lẽ là người mẫu được thiết kế cho các tay máy không chịu bỏ nhiều nỗ lực để chụp ảnh- như lời của tác giả bài báo mang tựa đề:” Are you doing it for photography or for fame?” (Bạn đang làm điều đó cho nhiếp ảnh hay cho danh tiếng?) cho trên trang.
Trang web của cuộc thi nhiếp ảnh ca ngợi bức ảnh đoạt giải thưởng lớn: "Cảm xúc của một bà mẹ Việt Nam mắc chứng rối loạn ngôn ngữ không ngăn được cô cảm thấy hy vọng và gợi lên cảm giác mạnh mẽ cho con”. Vì thế, bức ảnh của Edwin Ong Wee Kee người Malaysia xứng đáng thắng giải cho chủ đề “Hope” (Hy vọng).
Còn tác giả bài báo thì nêu quan điểm cá nhân: Cảm giác của một người mẹ Việt Nam đang bị tấn công bởi một nhóm các nhiếp ảnh gia thô lỗ, những người có lẽ đã không làm phiền khi hỏi cô ấy về câu chuyện cuộc đời mình. Khuôn mặt cô gợi lên một cảm giác thật khó chịu.
Ai đúng, ai sai?
Chính vì bức ảnh đoạt giải quá to nên dư luận mới “săm soi”, mổ xẻ kỹ như vậy! Và nhiều bình luận rất cực đoan thậm chí đề nghị loại bỏ giải thưởng. Vậy ai đúng, ai sai?
Bức ảnh trên dù là được dàn dựng, dù chụp trong cảnh “sáng tác” tập thể, không vi phạm quy chế cuộc thi, nên tác giả gửi đi không sai. Và đây cũng không phải là một cuộc thi ảnh báo chí!
Với Ban giám khảo, có người trách họ không tinh tường.
Nhưng khi chấm, ai biết câu chuyện hậu trường đằng sau bức ảnh chụp mà chỉ chấm trên bức ảnh hiện có, bởi thế cũng rất khó!
Nhưng không phục
Vì thực ra, bức ảnh mẹ con của tác giả Malaysia không gây nhiều ấn tượng, và khó xúc động với những nhà nhiếp ảnh du lịch đã đi nhiều nước Châu Á và đặc biệt là Việt Nam. Không phải không có lý khi một cư dân mạng có nick name là Jürgen Warschun đã viết trên trang FB của HIPA “Bức ảnh trên ánh sáng rất buồn tẻ và một quan điểm rất nhàm chán. Bạn sẽ cần một ban giám khảo tốt hơn. Đây không phải là một bức ảnh tuyệt vời”
Nhưng chú thích của ảnh đề cập đến bà mẹ bị “rối loạn ngôn ngữ” và gương mặt chị ta khá dữ. Cụm từ “rối loạn ngôn ngữ” hơi khó hiểu? Và nếu bị “rối loạn ngôn ngữ” liệu chị ta có sẵn sàng làm mẫu cho nhiều tay máy như vậy không?
Vấn đề còn là ban giám khảo chấm text hay chấm ảnh? Tùy từng cuộc thi và quan điểm của BGK mà tỷ lệ quan trọng của mỗi phần khác nhau.
Ở đây còn có câu chuyện dàn dựng. Nếu tác giả một mình dàn dựng và chụp thì không sao, khi giữa tác giả và nhân vật có mối giao tiếp thân mật, còn ở đây khi sáng tác tập thể với nhiều bức ảnh sẽ na ná giống nhau thì thật khó để nói về sự kỳ công, chưa nói đến sự sáng tạo của cá nhân?