Đó là con số được đưa ra tại cuộc họp báo liên quan đến Nghị quyết về công tác dân số và công tác y tế trong tình hình mới do Bộ Y tế tổ chức chiều 17.10.
Liên quan đến vấn đề mất cân bằng giới tính khi sinh đang được dư luận quan tâm, ông Nguyễn Văn Tân- Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dân số KHHGĐ cho biết, hiện nay tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh đã diễn ra phổ biến tại 5/6 vùng kinh tế xã hội trong cả nước, riêng khu vực Tây Nguyên tình trạng này ít hơn nhưng cũng đang nhích lên.
Vùng Đồng bằng Sông Hồng là vùng xảy ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh nhiều nhất, bán kính xung quanh Hà Nội 100km có tỷ lệ là 115 bé trai/100 bé gái, đặc biệt tại một số tỉnh, thành phố như Hải Dương, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Nam Định… tỷ lệ là 120-122 bé trai/100 bé gái.
Có 3 nguyên nhân gây ra tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là do tâm lý muốn có con trai; nguyên nhân tiếp theo là sự phát triển của khoa học công nghệ y học tiên tiến làm cho việc lựa chọn giới tính trước khi sinh ngay từ lần sinh đầu tiên và nguyên nhân cuối cùng là việc đảm bảo an sinh xã hội chưa đáp ứng được nhu cầu chăm sóc bố mẹ khi về già… Bên cạnh đó, việc hạn chế mức sinh cũng làm tăng lựa chọn giới tính khi sinh.
“Các nguyên nhân này sẽ dẫn đến hậu quả nghiêm trọng là đến năm 2020 nước ta sẽ thiếu khoảng 2,3- 4,3 triệu phụ nữ hay nói cách khác là 2,3- 4,3 triệu đàn ông Việt sẽ có nguy cơ khó lấy được vợ. Do đó, dù Tổng Cục Dân số - Kế hoạch hóa gia đình có nỗ lực bao nhiêu cũng khó có thể giải quyết được mà cần có sự chung tay vào cuộc tích cực của cộng đồng, của các ban, ngành, đoàn thể và của chính người dân mới có thể giải quyết được”- ông Nguyễn Văn Tân nói.
Ông Tân cũng cho rằng, khi nới lỏng chính sách sinh con, từng bước sửa đổi các quy định về mức sinh với đảng viên, cùng với các giải pháp khác về kinh tế, an sinh xã hội... thì động lực lựa chọn giới tính khi sinh sẽ giảm dần.