Ngày 4.3, trao đổi với phóng viên, bác sĩ chuyên khoa II Trịnh Xuân Nam – Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An cho biết có hiện tượng thiếu một số loại thuốc, vật tư y tế tại bệnh viện.
“Cụ thể, một số loại thuốc, vật tư y tế như Albumin, một số thuốc sử dụng trong kĩ thuật điều trị ghép tủy... vẫn thiếu. Tuy nhiên tình trạng này ở bệnh viện chúng tôi chưa nhiều, do trước đó Ban Giám đốc đã dự báo được tình hình và có nhiều biện pháp chủ động để tìm nguồn cung cấp"- bác sĩ Trịnh Xuân Nam cho biết.
Do thiếu thuốc, vật tư y tế, bệnh viện phải cho bệnh nhân chuyển đến bệnh viện có đủ vật tư y tế, thuốc để điều trị, hoặc tư vấn cho bệnh nhân tự tìm mua. “Điều này gây khó khăn, tốn kém cho bệnh nhân vì có những loại thuốc, vật tư y tế đắt tiền trong khi về nguyên tắc được bảo hiểm y tế chi trả.
Việc chuyển viện cũng gây khó khăn cho bệnh nhân và tạo thêm áp lực lớn cho bệnh viện tuyến trên"- Phó Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An nói.
Tại Bệnh viện Hữu nghị đa khoa Nghệ An, trung bình mỗi ngày có 1.200 - 1.500 người đến khám bệnh, với 2.554 giường bệnh.
Một lãnh đạo bệnh viện trên địa bàn tỉnh Nghệ An (xin giấu tên) chia sẻ: Trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, bác sĩ buộc phải tư vấn cho bệnh nhân lựa chọn một trong ba phương án.
Bên cạnh phương án chuyển viện hoặc tự túc thuốc, vật tư y tế từ nguồn bên ngoài, bệnh nhân có thể chấp nhận một phương án “đau nhiều hơn, chảy máu nhiều hơn” so với phương án có đủ thuốc, vật tư y tế để được điều trị tại chỗ.
“Việc chuyển tuyến bên cạnh gây khó khăn cho bệnh nhân cũng gây khó khăn cho bệnh viện, bởi vì chuyển viện không phải do vượt quá khả năng điều trị của bệnh viện mà do thiếu thuốc, vật tư y tế. Do đó sẽ làm giảm doanh thu của bệnh viện và thu nhập của bác sĩ, nhân viên y tế” – vị lãnh đạo nói trên chia sẻ.
Được biết, có không ít cơ sở y tế trên địa bàn tỉnh Nghệ An lâm vào tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế để điều trị cho bệnh nhân, làm bệnh nhân thêm vất vả, tốn kém.
Về nguyên nhân thiếu thuốc, vật tư y tế, một số lãnh đạo bệnh viện tại Nghệ An cho biết do một số loại thuốc, vật tư y tế bị đứt chuỗi cung ứng từ nhà cung cấp, phân phối (ví dụ Albumin), hoặc thiếu giấy phép. Cùng với đó là do rơi vào thời kỳ “giáp hạt” (gói thầu cũ đã hết, gói thầu mới chưa triển khai xong).
Bên cạnh đó, do giá thuốc, vật tư y tế phía đơn vị mời thầu đưa ra quá thấp, nhà thầu thấy lợi nhuận không khả quan hoặc không có lợi nhuận nên không tham gia, có trường hợp đã trúng thầu nhưng cũng bỏ hợp đồng.
Trao đổi với phóng viên, một lãnh đạo Sở Y tế Nghệ An cho biết trước tình trạng thiếu thuốc, vật tư y tế, Sở Y tế đã yêu cầu các cơ sở y tế khẩn trương báo cáo tình hình, phân tích nguyên nhân, tích cực triển khai các giải pháp để khắc phục.
“Vấn đề nào thuộc khả năng của cơ sở y tế thì khẩn trương khắc phục, vấn đề nào vượt quá khả năng thì báo cáo để cấp có thẩm quyền xử lý, với quan điểm là nhanh chóng có đủ thuốc, vật tư y tế đạt chuẩn đáp ứng yêu cầu điều trị của bệnh nhân, giảm khó khăn tối đa cho người dân” – vị lãnh đạo nói trên cho biết.