Tích lũy từ đầu năm đến thời điểm này, cả nước ghi nhận 100.210 trường hợp mắc tay chân miệng; 22 ca tử vong. So với cùng kỳ năm 2022 (52.296/3) số mắc tăng 91,6%, tử vong tăng 19 trường hợp.
Các tỉnh phía nam, số ca mắc tay chân miệng tăng cao. Riêng trong tuần qua, TPHCM đã ghi nhận 1.532 ca mắc tay chân miệng, tăng gần 1,5 lần so với trung bình của 4 tuần trước. Các quận và huyện với số ca mắc bệnh trên 100.000 dân bao gồm quận Bình Tân, huyện Nhà Bè và huyện Bình Chánh. Hiện thành phố đang điều trị cho 346 ca bệnh tay chân miệng, trong đó 103 ca có địa chỉ tại TPHCM.
Hiện một số bệnh viện chuyên khoa sản nhi khu vực phía nam chưa có đủ thuốc thiết yếu điều trị tay chân miệng, buộc phải chuyển bệnh nhân đến TPHCM.
Đại diện Bộ Y tế, ông Lê Việt Dũng - Cục phó Quản lý Dược - cho biết, nguồn cung thuốc thiết yếu trị tay chân miệng như gamma globulin, phenobarbital, milrinone... hiện đã đáp ứng đủ nhu cầu điều trị. Trước đó, hồi tháng 7, nhiều loại thuốc trị bệnh nặng cạn kiệt, các bác sĩ phải hội chẩn và cân nhắc kỹ, ưu tiên dùng thuốc cho những trường hợp nặng.
Hiện nay, có 13 thuốc immunoglobulin được cấp giấy đăng ký lưu hành còn hiệu lực tại Việt Nam. Cục Quản lý Dược đã cấp phép nhập khẩu 15.000 lọ thuốc immunoglobulin theo quy định để đáp ứng nhu cầu điều trị đặc biệt của cơ sở khám chữa bệnh.
Việc thiếu các thuốc thiết yếu như gamma globulin, phenobarbital, milrinone..., đồng thời một số nơi chưa triển khai được kỹ thuật lọc máu khiến nhiều bệnh nhi nặng phải chuyển viện. Từ đó dẫn đến hậu quả một số trẻ không được điều trị kịp thời, biến chứng nặng, thậm chí tử vong.
Tuy nhiên, đại diện Bộ Y tế cho rằng, nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc.
Việt Nam đã nhập khẩu về với số lượng 8.258 lọ thuốc và cung ứng cho các cơ sở điều trị. Dự kiến cuối tháng 11 sẽ tiếp tục nhập khẩu 2.000 lọ thuốc về Việt Nam. Ngoài ra, trong những tháng cuối năm 2023, các thuốc immunoglobulin đã được cấp giấy đăng ký lưu hành có thể sẽ được tiếp tục nhập khẩu về Việt Nam.
Theo ông Lê Việt Dũng, nguồn cung đầu vào hiện không thiếu, nhưng vẫn còn những đơn vị điều trị và địa phương chưa chủ động trong việc xây dựng, triển khai kế hoạch dự trữ, mua sắm, tiếp nhận thuốc phù hợp với thực tế để đảm bảo đủ thuốc phục vụ công tác chuyên môn, khám chữa bệnh, điều trị cho người bệnh.
Bộ Y tế đã có những chỉ đạo, hướng dẫn cụ thể để các cơ sở y tế chủ động hơn trong việc điều phối, sử dụng thuốc.
Ngoài công tác phòng chống lây nhiễm, phân luồng, phân loại, để triển khai cấp cứu, chữa bệnh kịp thời thì bệnh viện cũng phải đảm bảo có đầy đủ trang thiết bị, hỗ trợ bệnh nhân chuyển viện từ tuyến dưới ở các địa phương khác lên, đảm bảo cứu được những bệnh nhân có biến chứng nặng.
Bộ Y tế cũng đã có công văn yêu cầu tất cả các sở Y tế đề xuất dự kiến nhu cầu sử dụng thuốc. Việc này dự kiến sẽ giúp các nhà sản xuất, các đơn vị nhập khẩu thuốc có cơ sở để nhập trước lượng thuốc phù hợp, tránh xảy ra tình trạng thừa hoặc thiếu.