Cải tổ hệ thống bệnh viện công: Lợi cho dân, xóa lợi ích nhóm

NHÓM PV LAO ĐỘNG |

Tại sao phải cải tổ hệ thống bệnh viện công lập? - câu hỏi đã được đặt ra từ trước khi Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) đưa ra mới đây, kèm theo những đề xuất với Thủ tướng Chính phủ. 

Mục đích của việc cải tổ không gì khác chính là làm sao để đảm bảo chất lượng dịch vụ của hệ thống bệnh viện công lập, làm sao để toàn thể người dân ở nông thôn được khám-chữa bệnh tại các bệnh viện tỉnh, bệnh viện huyện với chất lượng ngang bằng dịch vụ tại các bệnh viện hàng đầu; để 100% người dân có bảo hiểm y tế được khám-chữa bệnh với giá dịch vụ thấp nhất.

“Các bệnh viện công chỉ còn cái vỏ nhà nước”

Những tồn tại, hạn chế, tiêu cực trong hệ thống bệnh viện công lập được chỉ ra là: Suất đầu tư cho cơ sở hạ tầng, máy móc thiết bị rất cao, có khi gấp đôi so với khu vực tư nhân; Giá thuốc mua vào rất đắt do thiếu cơ chế đấu thầu công khai minh bạch và chuyên nghiệp; Người bệnh vào bệnh viện khám chữa bệnh, ngoài các chi phí chính thức như viện phí, tiền mua thuốc thì còn phải chịu nhiều chi phí không chính thức như tiền phong bì, chi phí khám chữa bệnh vượt tuyến, rồi việc phải mang theo người nhà đi chăm sóc bệnh nhân; Tình trạng luôn quá tải tại các bệnh viện lớn tại Hà Nội, TPHCM đi kèm với tình trạng khám chữa bệnh vượt tuyến lớn…

Ông Nguyễn Hoàng Hải - Tổng Thư ký Hiệp hội Các nhà đầu tư tài chính Việt Nam (VAFI) cho rằng, hiện nay giá viện phí đã tiệm cận thị trường, tính đúng, tính đủ chi phí gián tiếp vì nhiều bệnh viện tư nhân ở các tỉnh với phần lớn khách hàng là đối tượng có bảo hiểm y tế như Hợp Lực hay Hoàn Mỹ đang có giá cả dịch vụ tương đương với mức viện phí của bệnh viện nhà nước mà vẫn sống được, phát triển được, tức là người ta có lãi trong khi bệnh viện tư nhân phải tự bỏ tiền mua đất, xây bệnh viện, mua thiết bị tuyển nhân sự trả lương mà người ta có lãi chứng tỏ bệnh viện công, bệnh viện có thương hiệu có thể tự hạch toán.

Trong khi đó, hiện nay, việc hầu hết các viện không tự chủ được tài chính kể cả các viện đang quá tải bệnh nhân như Việt Đức, Bạch Mai là vấn đề đáng quan ngại. Ông Hải cho rằng nguyên nhân là do có thực trạng thất thoát tài sản nhà nước rất lớn tại các bệnh viện công. Cụ thể, các suất đầu tư vật chất, hạ tầng bệnh viện thường cao gấp đôi viện tư nhân nhưng kiến trúc vẫn xấu xí, máy móc chất lượng kém. Giá thuốc qua đấu thầu mà vẫn chênh mấy chục %, còn các loại dụng cụ, hoá chất chưa phải đấu thầu thì giá chênh còn khó phát hiện hơn và giá mua vào gấp 2-3 giá tư nhân mua.

Ông Hải nhận định tại các viện công, chi ra thất thoát lớn, thu vào cũng bị thất thoát trong khi chất lượng dịch vụ không được cải thiện, dù viện phí tăng nhiều, năm 2016 đã tăng 50%. Người bệnh vẫn phải phong bì, nhà nước phải bơm cả 100 nghìn tỉ đồng/năm vào hệ thống các bệnh viện huyện, tỉnh. Ông nhận định hiện nay các bệnh viện công chỉ còn cái “vỏ nhà nước” vì bên trong thực chất các nhóm lợi ích, các DN sân sau đã thâu tóm hết từ việc kinh doanh căngtin, bãi xe tới các nhà cung cấp vật tư...

Minh hoạ của ĐAN
Minh hoạ của ĐAN

Để bệnh viện huyện “ngang ngửa” về chất lượng với Bạch Mai, Chợ Rẫy

Hàng loạt câu hỏi đã được đặt ra là: Tại sao bao nhiêu năm rồi chúng ta không phát triển các thương hiệu mạnh như: Bạch Mai, Việt Đức, Chợ Rẫy… xuống các tỉnh mà cho tới giờ chỉ có một cơ sở duy nhất? Việc xây dựng và mở rộng quy mô của bệnh viện tỉnh, BV huyện với nguồn nhân lực hạn chế có làm nên một thương hiệu mạnh hay không? Tại sao đội ngũ bác sĩ giỏi không mặn mà làm việc tại các bệnh viện tuyến dưới mà chỉ mong ước được làm việc tại các bệnh viện lớn và mạnh?

GS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt VN, GĐ BV Răng Hàm Mặt T.Ư cho rằng: “Sở dĩ các BV tuyến T.Ư là nơi hội tụ các chuyên gia đầu ngành, những BS có tay nghề giỏi nhất là bởi về cơ chế của BV tuyến T.Ư có thể tự chủ. Họ có thể chủ động cử BS ra nước ngoài học tập kỹ thuật mới nhiều lượt trong một năm đồng thời, cứ có chuyên gia giỏi ở nước ngoài là họ mời đến Việt Nam giảng dạy, cầm tay chỉ việc cho cán bộ của mình học, họ mua sắm trang thiết bị y tế hiện đại bậc nhất, thu hút nhân tài... bằng tài chính và uy tín của mình. Nhưng đối với các BV tuyến tỉnh, tuyến huyện thì lại không dễ dàng như vậy. Họ tụt hậu là tất yếu”.

Một cán bộ nguyên là lãnh đạo nhiều năm của Bệnh viện Bạch Mai cho rằng: “Dự án Bệnh viện Bạch Mai cơ sở 2, BV Việt Đức cơ sở 2, Bệnh viện K cơ sở 2, 3 là vô cùng cần thiết. Và thực tế cho thấy, cơ sở 2 ở Thanh Trì và cơ sở 3 ở Tân Triều của BV K lúc nào cũng đông nghẹt bệnh nhân. Bản thân tôi nghĩ rằng, ví dụ như BV Bạch Mai, phải xây dựng đến 5 cơ sở rải khắp các tỉnh miền Bắc thì mới đáp ứng được nhu cầu của nhân dân”.

Lỗ 2 năm liền, giám đốc bệnh viện mất chức

Theo Tổng Thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải, trước tiên nên để các bệnh viện công hoạt động theo mô hình DN công ích theo luật DN để tính đúng tính đủ các chi phí, công khai tài chính, kiểm toán đầy đủ. Bước hai mới lựa chọn một số bệnh viện huyện tỉnh thí điểm CPH và CPH các bệnh viện phải có đặc thù khác DNNN vì nhà nước vẫn phải kiểm soát giá viện phí để tính đúng đủ, đạt lợi nhuận định mức chứ không thể để có siêu lợi nhuận cũng đảm bảo số bệnh nhân bảo hiểm y tế được chăm sóc.

Sau CPH, nhà nước vẫn nên chiếm cổ phần đa số khoảng 65% để không ai can thiệp vào định hướng quan trọng của bệnh viện đồng thời áp dụng quy định làm lỗ 2 năm thì giám đốc bệnh viện mất chức. Theo VAFI, các viện hàng đầu như Chợ Rẫy, Bạch Mai dư sức tự chủ tài chính mà vẫn bao cấp vì thất thoát và nhà nước quá dễ dãi dẫn tới nhiều tồn tại và các viện không có nhu cầu tiết kiệm.

Trao đổi về vấn đề cổ phần hóa trong BV công, khi đó cơ sở vật chất, đội ngũ y bác sĩ sẽ ra sao? giá dịch vụ y tế có đắt đỏ hơn? GS Trịnh Đình Hải - Chủ tịch Hội Răng Hàm Mặt VN cho rằng: “Bộ phận định giá phải độc lập với giám đốc, với cán bộ BV, phải công khai, minh bạch. Cơ sở vật chất cũng đưa vào cổ phần hết. Cổ phần hóa rồi phải đảm bảo chức năng nhiệm vụ. Theo tôi, dịch vụ dứt khoát là không đắt đỏ, vì cạnh tranh khốc liệt, nên giá dịch vụ có xu hướng giảm xuống. Nhà nước chỉ cần đưa ra cơ chế cạnh tranh.

Thách thức không nhỏ

Nhận định về khó khăn khi CPH các bệnh viện, Tổng Thư ký VAFI Nguyễn Hoàng Hải cho rằng khó nhất là thay đổi tư duy vì sẽ làm mất lợi ích một số nhóm. Hiện nay, các sở, bộ y tế đang có quyền ban phát với cơ chế xin cho, trong quyết định về các suất đầu tư thiết bị hay vấn đề nhân sự, quyền là của sở, bộ nên vấn đề rất lớn nằm ở chỗ họ có rời bỏ quyền đó không và “họ sẽ từ chối viện đủ thứ để trì hoãn đổi mới” - ông Hải nhận định.

TS-BS Trần Tuấn - Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Đào tạo phát triển cộng đồng - lại chỉ ra ba khối thách thức tương ứng với ba chủ thể: Khối làm chính sách, khối nhân viên y tế và bộ máy y tế hiện tại, và thách thức với người dân. BS Tuấn phân tích: “Thách thức lớn nhất với người làm chính sách là năng lực thực tế của đội ngũ này khi phải đi từ định hướng đến chính sách cụ thể sao cho khi nhìn tổng thể, không bị mâu thuẫn, đối chọi nhau, gây khó khăn cho nhau giữa cái cụ thể với cái tổng thể hướng đến. Đó là năng lực của đội ngũ làm chính sách. Thách thức tiếp theo là khắc chế thế nào sự can thiệp vào tiến trình làm chính sách y tế công cộng của các nhóm doanh nghiệp có lợi ích mâu thuẫn với lợi ích sức khỏe cộng đồng và an toàn môi sinh, đặc biệt từ các ngành công nghiệp gây nhiều nguy cơ bệnh tật như amiang, thuốc lá, rượu bia, nhiệt điện chạy than, hóa chất dùng trong nông nghiệp…, hay của các công nghiệp trực tiếp là thành phần làm nên dịch vụ chăm sóc sức khỏe như dược phẩm, sinh phẩm, trang thiết bị và công nghệ y tế, sữa, thực phẩm chức năng… mà trong thời gian qua, tôi nhận thấy phần nhiều là sự can thiệp của các tập đoàn liên quốc gia với chiến lược can thiệp rất tinh vi, trên nhiều phương diện, khoác áo khoa học, tài trợ quốc tế, đòi hỏi tính kinh tế hiệu quả hệ thống và tự do thương mại mà không dễ nhân ra trong kỷ nguyên truyền thông, mạng xã hội, tạo thêm sự phức tạp cho tiến trình làm chính sách”.

Các giải pháp cải tổ hệ thống bệnh viện công lập do VAFI đưa ra:

Giai đoạn 1: Nhanh chóng chuyển toàn bộ bệnh viện nhà nước từ hình thức đơn vị sự nghiệp công lập sang phương thức doanh nghiệp công ích hoạt động theo Luật Doanh nghiệp ; Toàn bộ hệ thống BVCL phải công khai tình hình hoạt động, tình hình tài chính như doanh nghiệp niêm yết, phải thực hiện kiểm toán hằng năm…; Giai đoạn 2: Cổ phần hóa các bệnh viện mạnh và đầu ngành như BV Bạch Mai, Việt Đức, BV K, BV phụ sản TW, BV Nhi đồng, BV chợ Rẫy… Và các bệnh viện xin tự nguyện cổ phần hóa. Sau đó thực hiện việc niêm yết trên thị trường chứng khoán cho các doanh nghiệp này để làm sâu sắc cơ chế công khai minh bạch hiệu quả, đồng thời tạo điều kiện cho các doanh nghiệp này dễ dàng huy động được vốn từ thị trường chứng khoán. Các bệnh viện lớn này sẽ đóng vai trò là các bệnh viện mẹ để làm cơ sở cho một tiến trình từng bước hợp nhất, sáp nhập các bệnh viện nhỏ, các bệnh viện ở tuyến tỉnh, bệnh viện huyện. Đây là tiến trình hình thành nên các Tập đoàn bệnh viện có cổ phần nhà nước chiếm đa số tuyệt đối (trên 65% vốn điều lệ), mang thương hiệu Việt Đức, Bạch Mai, Chợ Rẫy… xuống tận cấp huyện. Người dân ở nông thôn khi đó chỉ cần tới chi nhánh BV Bạch Mai, Chợ Rẫy, Việt Đức… đóng tại huyện mình khám bệnh, thay vì phải vất vả vượt tuyến. Giai đoạn 3: Sau khi cổ phần hóa thành công khoảng 30 bệnh viện lớn nhất của cả nước, các bệnh viện này sẽ làm nòng cốt để hình thành lên các tập đoàn bệnh viện nhà nước hoạt động trên phạm vi cả nước hay vùng lãnh thổ.

NHÓM PV LAO ĐỘNG
TIN LIÊN QUAN

Tuyển Indonesia thua trận đầu tiên tại vòng loại 3 World Cup 2026

NHÓM PV |

Tối 15.10, đội tuyển Indonesia nhận thất bại 1-2 trên sân tuyển Trung Quốc tại vòng loại thứ 3 World Cup 2026.

Ra mắt Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng

Vương Trần |

Tủ sách điện tử Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là cơ sở dữ liệu quý, phục vụ nghiên cứu, học tập và vận dụng trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Phá đường dây cờ bạc nghìn tỉ qua mạng, tạm giam 12 người

Thành Nhân |

Bến Tre - Lực lượng Công an vừa triệt xóa đường dây cờ bạc trên không gian mạng với tổng số tiền giao dịch hơn 1.800 tỉ đồng.

Nổ nồi hấp tinh dầu, 1 bé gái bị thương, 5 căn nhà ảnh hưởng

LÝ LINH |

TPHCM - Ngày 15.10, Công an huyện Bình Chánh đang điều tra vụ nổ nồi hấp tại một cơ sở sản xuất tinh dầu trên địa bàn xã Vĩnh Lộc A khiến một bé gái bị thương.

Nguyên chủ tịch xã ở Thái Bình bị tố lạm quyền để trục lợi

TRUNG DU |

Thái Bình - Nguyên Chủ tịch UBND xã Quỳnh Hải, huyện Quỳnh Phụ bị tố lợi dụng chức vụ quyền hạn để tư lợi, trục lợi cho bản thân, gia đình.

Tin 20h: Giá vàng nhẫn tăng cao, người dân đổ xô săn lùng

Nhóm PV |

Tin 20h ngày 15.10: Giá vàng nhẫn tăng cao, tìm khắp nơi không mua được 1 chỉ; Lý giải "cơn sốt" đất nền qua các phiên đấu giá xuyên đêm...

Lý do Trường Đại học Thủ Dầu Một thu vượt học phí 37 tỉ đồng

ĐÌNH TRỌNG |

Trường Đại học Thủ Dầu Một (Bình Dương) thu vượt học phí của sinh viên lên tới 37 tỉ đồng. Số tiền này hiện đã được nộp vào ngân sách nhà nước (sung công quỹ).

Bộ Quốc phòng trả lời đơn liên quan dự án Phúc Sơn

Hữu Long |

Khánh Hòa - 1.617 người tham gia vào dự án của Tập đoàn Phúc Sơn cử người đại diện gửi đơn kiến nghị đến Cơ quan điều tra hình sự Bộ Quốc phòng.