Sau khi thống nhất giữa các bên liên quan, Sở Giao thông - Vận tải Quảng Ninh chốt phương án: tàu chạy qua khu vực Hòn Trống Mái không được quá tốc độ 10km/h để tránh tạo sóng và phải giữ khoảng cách với Hòn Trống Mái tối thiểu 70 m.
Trao đổi với Lao Động, ông Vũ Văn Kinh - Phó Giám đốc Sở Giao thông Vận tải Quảng Ninh - cho biết, đơn vị đang cho thiết kế phao và chuẩn bị lắp đặt xung quanh Hòn Trống Mái để làm mốc ranh giới, cách Hòn Trống Mái ít nhất 70m.
Về hạn chế tốc độ không quá 10km/h, ông Kinh cho hay, đã giao cho Cảng vụ đường thủy nội địa tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Ban Quản lý vịnh Hạ Long và các đơn vị liên quan tuyên truyền, nhắc nhở các chủ tàu, thuyền trưởng.
Tuy nhiên, theo các chủ tàu du lịch, nhân viên tàu du lịch, kể cả khi chạy ở những vị trí khác, các tàu du lịch ít khi chạy trên 10 km/h vì còn phục vụ du khách ngắm cảnh. Hơn nữa, các tàu du lịch thường tạo sóng không lớn, nhưng phải rất cận trọng với các loại tàu cao tốc, xuồng bay bởi các loại phương tiện này chạy rất nhanh và tạo sóng lớn.
Trước đó, Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản (Bộ Tài nguyên và Môi trường) - đơn vị thực hiện đề tài “Nghiên cứu, đánh giá hiện trạng và các yếu tố ảnh hưởng làm cơ sở đề xuất các giải pháp bảo tồn Hòn Trống Mái, vịnh Hạ Long” - đề xuất phân luồng, tuyến ra vào khu vực quan sát, chụp ảnh; khống chế khoảng cách tối thiểu 50 m với Hòn Trống Mái; hạn chế tốc độ tàu thuyền chạy qua khu vực Hòn Trống Mái xuống dưới 10 km trong phạm vi bán kính 200 m.
Theo khảo sát của Viện Khoa học Địa chất và Khoáng sản, Hòn Trống Mái gồm 2 đảo đá nhỏ có hình thù như một đôi gà trống mái, cao khoảng 13,9 m, chân đảo thót lại tạo tư thế chênh vênh.
Trải qua quá trình hoạt động địa chất, kiến tạo và sự tác động của nước biển, Hòn Trống Mái đã bị phân tách thành nhiều các khối nhỏ, trong đó có 40 khối có nguy cơ đổ, lở. Đáng chú ý các vị trí như: mỏ hòn gà mái; mào hòn gà trống và một số khối khác cần phải có giải pháp khắc phục sớm.
Ngoài giải pháp hạn chế tốc độ tàu qua lại và giữ khoảng cách giữa tàu với Hòn Trống Mái, các chuyên gia của viện này đề xuất sử dụng phương pháp neo và xây tường bê tông nhằm gia tăng sức chịu tải của bề mặt khối đá để giữ ổn định trước khi tiến hành các giải các giải pháp phun bê tông phù hợp nhằm hạn chế khả năng ăn mòn, mở rộng khe nứt.
Tuy nhiên, theo các chuyên gia trong nước và quốc tế, việc giảm thiểu các nguy cơ sạt lở đối với hòn Trống Mái phải hết sức thận trọng, chỉ nên tác động nhỏ nhất có thể, không làm thay đổi cảnh quan nhưng vẫn phải đảm bảo độ ổn định theo thời gian của hòn Trống Mái.
Theo Ban Quản lý vịnh Hạ Long, nguy cơ sạt lở các núi đá giữa vịnh Hạ Long không phải là vấn đề mới. Theo một đề tài nghiên cứu trước đây của đơn vị, tại vịnh Hạ Long, 24 vùng được nghiên cứu thì có 596 điểm có nguy cơ trượt lở, đổ lở. Trong đó, ở một số vùng đã và đang có nguy cơ xảy ra trượt lở cao như hòn Vạn Bội, hòn Dầm Nam, hòn Bồ Hòn, hòn Vụng Hà, đảo Cống Đỏ, hòn Cây Chanh, hòn Cọc Chèo, đảo Đầu Bê, hòn Bái Đông…
Khu vực vịnh Hạ Long được cấu tạo chủ yếu là đá vôi sạch, có độ thuần vôi cao, với hàm lượng CaCO3 thường chiếm trên 95% là yếu tố quan trọng cho tiến trình hòa tan ăn mòn. Đặc điểm kiến trúc - cấu tạo của đá vôi của khu vực nghiên cứu cũng thuận lợi cho karst hóa. Hệ thống khe nứt trong đá vôi là những đường dẫn thuận lợi cho nước mưa đi sâu vào trong đá để đẩy mạnh quá trình karst hóa. Đồng thời, còn có tác động của các yếu tố ngoại sinh như: sóng, gió, dao động mực nước biển…