Tin từ Sở Nông nghiệp Phát triển Nông thôn tỉnh Cà Mau ngày 26.3 cho biết, đã nhận được kết quả xét nghiệm mẫu (mẫu cua chết, cua sống; mẫu nước, đất) trên địa bàn xã Tân Ân Tây, Viên An Đông và xã Lâm Hải từ Phân Viện nghiên cứu thuỷ sản Nam Sông Hậu.
Kết quả mẫu môi trường nước, bùn cho thấy, các yếu tố, chất lượng môi trường nước phù hợp cho động vật thuỷ sản (cua) phát triển.
Tuy nhiên, trong mẫu bùn xuất hiện mật độ vi khuẩn có khả năng gây bệnh (Vibro parahaemolyticus) khá cao. Đây là một trong những tác nhân cơ hội có khả năng gây bệnh cho cua nuôi.
Đối với mẫu cua, qua phân tích các tác nhân gây bệnh, tất cả các mẫu phân tích đều phát hiện ký sinh trùng (giáp xác chân tơ Sacculina sp) trên mang, gan, mô, buồng trứng.
Khi nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp, chúng làm thay đối nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, sinh trưởng chậm.
Nếu cua, ghẹ nhiễm ký sinh trùng cao gây sự suy kiệt quần đàn dẫn đến cua có dấu hiệu bị run chân).
Thạc sĩ Nguyễn Công Quốc, Chi cục Thuỷ sản Cà Mau cho biết: “Khi nhiễm ký sinh trùng giáp xác chân tơ Sacculina sp, chúng làm thay đổi nội tiết của vật chủ, ảnh hưởng đến khả năng lột vỏ, hoạt động, sinh sản, sinh trưởng chậm. Nếu cua, ghẹ nhiễm cao gây sự suy kiệt quần đàn dẫn đến cua có dấu hiệu bị run chân”.
Trước đó, ngay khi tiếp nhận phản ánh của người dân, Chủ tịch UBND tỉnh Cà Mau chỉ đạo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan kiểm tra, xác định nguyên nhân cua nuôi bị chết bất thường để có biện pháp khắc phục, giúp dân hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại.
Trong 4 ngày liên tiếp (từ ngày 17 đến ngày 20.3), các đơn vị chuyên môn của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau cùng Phân Viên nghiên cứu thủy sản Nam Sông Hậu và các địa phương trong tỉnh đã tổ chức kiểm tra, nắm tình hình, thu mẫu bệnh phẩm để phân tích, xét nghiệm.