Ngày 26.4, thừa ủy quyền của Bí thư Tỉnh ủy Đắk Lắk Nguyễn Đình Trung, một lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk xác nhận, việc di dời Cụm Công nghiệp Tân An, TP.Buôn Ma Thuột là chủ trương chung vì hiện nay tỉnh và các huyện, thị xã, thành phố đang làm quy hoạch năm 2021 đến 2030, tầm nhìn tới 2045.
TP.Buôn Ma Thuột đang hướng đến là đô thị trung tâm vùng Tây Nguyên nên về lâu dài thì cần phải tính tới việc để cụm công nghiệp giữa thành phố có phù hợp hay không. Còn nếu không phù hợp thì phải có quy hoạch và bước đi cụ thể để di dời.
Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng: Khi đã thống nhất di dời Cụm Công nghiệp Tân An thì cũng cần lộ trình cụ thể như di dời đi đâu, khi nào và quy hoạch này cũng phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
Đối với vấn đề di dời Cụm Công nghiệp Tân An sẽ có tác động rất lớn, gây tâm lý hoang mang cho doanh nghiệp và khoảng 3.000 người lao động sẽ có nguy cơ thất nghiệp. Từ đó, tỉnh có nên bàn bạc, làm việc với doanh nghiệp trước khi cho chủ trương khảo sát để họ nắm rõ thông tin hay không?
Lãnh đạo Văn phòng Tỉnh ủy Đắk Lắk cho rằng: Trong quá trình lập quy hoạch, khảo sát sẽ xin ý kiến, tổ chức hội nghị… trao đổi với các bên có liên quan.
Như Lao Động đã thông tin, tỉnh Đắk Lắk đang có dự tính dời Cụm Công nghiệp Tân An để quy hoạch, cho Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển đô thị TDH Ecoland (Công ty TDH Ecoland) nghiên cứu đầu tư triển khai dự án đô thị quy mô lớn.
Điều này vấp phải sự phản ứng dữ dội từ hơn 70 doanh nghiệp đang sản xuất, kinh doanh ở khu vực trên. Họ cho rằng, đã đầu tư tiền của rất nhiều để xây dựng cơ sở sản xuất kinh doanh, tạo công ăn việc làm cho khoảng 3.000 công nhân. Nếu kế hoạch di dời được triển khai sẽ gây ra thiệt hại về kinh tế rất lớn.
Nhưng điều đáng nói là cơ quan chức năng tỉnh Đắk Lắk lẫn TP.Buôn Ma Thuột trước đó chưa về khảo sát tình hình, lắng nghe ý kiến tâm tư nguyện vọng của chủ đầu tư lẫn các doanh nghiệp tại Cụm công nghiệp.
Ngoài ra, cò "đất" còn lợi dụng thông tin về quy hoạch trong tương lai để thổi giá bất động sản tăng cao tại các vùng lân cận.
Hiện, Cụm Công nghiệp Tân An đang có tổng cộng 73 doanh nghiệp với 90 dự án đầu tư đã và đang triển khai, khoảng 3.000 công nhân. Khu vực này có tổng diện tích 100,75ha, mức đầu tư khoảng 200 tỉ đồng. Quỹ đất của Cụm công nghiệp này hiện không còn trống, các doanh nghiệp đều đã thuê để làm dự án. Đến năm 2060, chủ đầu tư là Công ty Hồng Lĩnh mới hết thời gian thuê đất tại đây.