Ngày 25.4, UBND tỉnh Đắk Lắk thông tin, đã ban hành văn bản về việc liên quan đến giao dịch bất động sản trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, để tăng cường công tác quản lý nhà nước về đất đai, kiểm soát thị trường bất động sản, chống thất thu tiền thuế thu nhập cá nhân, tiền sử dụng đất, UBND tỉnh giao Sở Tài chính phải sớm hoàn thiện dự thảo Quyết định của UBND tỉnh thay thế Quyết định số 30/2020/QĐ-UBND ngày 20.10.2020 về việc quy định hệ số điều chỉnh giá đất áp dụng trên địa bàn tỉnh.
Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan khảo sát bổ sung thêm tình hình giá đất trên thị trường thời điểm hiện nay theo từng khu vực, từng tuyến đường nhằm hoàn thiện dự thảo đảm bảo nguyên tắc giá đất ban hành sát giá đất thị trường theo thời điểm.
Sở Tư pháp, Cục Thuế tỉnh, UBND các huyện, thị xã, thành phố thời gian tới có biện pháp hữu hiệu để theo dõi, giám sát hệ thống Văn phòng Công chứng, UBND các xã, phường, thị trấn trong việc hợp đồng công chứng, chứng thực đảm bảo, phản ánh giá trị quyền sử dụng đất sát với giá chuyển nhượng thực tế trên thị trường.
Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp với UBND các huyện, thị xã, thành phố và các đơn vị liên quan nghiên cứu tham mưu UBND tỉnh ban hành Quyết định sửa đổi, bổ sung Quyết định số 07/2022/QĐ-UBND ngày 21.1.2022 của UBND tỉnh theo quy trình rút gọn đối với nội dung sửa đổi hạn mức tách thửa đất nông nghiệp trên địa bàn tỉnh.
Như Lao Động đã thông tin, thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk: Trong 3 tháng đầu năm, lượng giao dịch về đất đai trên địa bàn tăng đột biến với 103.000 lượt, tăng gần 44.000 giao dịch (tức tăng gần 200%) so với cùng kỳ năm 2021.
Thời gian qua, khắp các huyện, thị xã và đặc biệt là tại TP.Buôn Ma Thuột (tỉnh Đắk Lắk) đang diễn ra tình trạng "sốt đất" chưa từng thấy. Phân khúc giao dịch mua bán đất tập trung tại đất vườn, đất ở có vườn và mức giá thì cao hơn thời điểm quý IV năm 2021.
Ông Trần Đình Nhuận - Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Đắk Lắk - nhận định: "Việc yếu kém trong công tác quản lý đất đai, nhất là việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất cả những khu vực không đảm bảo hạ tầng, cho đối tượng không có nhu cầu làm nhà ở. Ngoài ra, pháp luật về đất đai còn bất cập, việc chuyển đổi mục đích sử dụng đất cho dân làm nhà ở không quy định hạn mức, không quy định điều kiện, bảng giá đất của nhà nước quy định không theo sát giá thị trường…
Việc sốt đất đã tạo ra các hệ lụy như khó khăn trong thực hiện và quản lý quy hoạch, giải phóng mặt bằng, chi phí bồi thường, khiếu kiện, xung đột tăng lên, thất thu cho ngân sách khi giao dịch mua bán đất.
Một bộ phận lớn đồng bào dân tộc thiểu số thấy giá đất tăng cao thì bán đất rồi sử dụng tiền không hiệu quả, mất tư liệu sản xuất, mất việc làm…".