Siêu dự án đường Vành đai 4
Nằm trong chuỗi các dự án trọng điểm về giao thông, “siêu dự án” đang thu hút nhiều sự quan tâm là dự án đầu tư xây dựng đường Vành đai 4 - Vùng Thủ đô Hà Nội vừa chính thức được khởi công ngày 25.6.2023 với tổng chiều dài khoảng 112,8 km.
Việc đầu tư xây dựng Vành đai 4 sẽ giúp mở rộng không gian phát triển, phân bổ áp lực đô thị cho Hà Nội, góp phần hình thành nên chuỗi đô thị mới rất tiềm năng. Dự án còn tạo động lực phát triển 2 thành phố trực thuộc Thủ đô là: Thành phố Bắc sông Hồng và Thành phố phía Tây Hà Nội.
Sở GTVT Hà Nội cho biết, mạng lưới kết cấu hạ tầng giao thông khung của Vùng Thủ đô, với Hà Nội là hạt nhân trung tâm, được thiết kế với bộ khung chính gồm 7 tuyến đường cao tốc: Hà Nội - Lào Cai; Hòa Lạc - Hòa Bình; Hà Nội - Thái Nguyên; Hà Nội - Hải Phòng; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Đại lộ Thăng Long; Nội Bài - Bắc Ninh.
Đặc biệt, cả 7 tuyến huyết mạch chính này đều được kết nối xuyên suốt bởi đường Vành đai 4. “Vành đai 4 mới là tuyến xương sống chính của mạng lưới giao thông Vùng Thủ đô.
Trong bối cảnh chưa được đầu tư xây dựng, toàn bộ áp lực đổ dồn lên Vành đai 3 - tuyến đường vốn chỉ là vành đai thuộc đô thị trung tâm, bất đắc dĩ phải gánh vác thay vai trò đặc biệt này.
Cầu Vĩnh Tuy - đua nước rút để hoàn thành giai đoạn 2
Dự án cầu Vĩnh Tuy được chia thành 2 giai đoạn xây dựng. Trong đó, giai đoạn 1 có tổng mức đầu tư gần 3.600 tỉ đồng, huy động từ nguồn vốn ngân sách.
Chiều dài của cầu là 5,8 km bao gồm cầu vượt sông, đường hai đầu cầu và các nút giao khác.
Ở đoạn phần cầu vượt sông Hồng dài 3,7 km, mặt cắt ngang giai đoạn 1 là 19,25 m. Cầu có kết cấu bê-tông cốt thép và bê-tông cốt thép dự ứng lực, phần cầu chính vượt sông có kết cấu dầm đúc hẫng gồm tám nhịp dài 990 m.
Tháng 9.2009, sau khi hoàn thành việc thi công phần cầu chính, cây cầu đã được thông xe, đưa vào khai thác một phần dự án giai đoạn 1, khắc phục rõ rệt tình trạng ùn tắc giao thông trên cầu Chương Dương và các tuyến đường liên quan.
Sau một năm tiếp tục thi công, các gói thầu còn lại của dự án đã chính thức hoàn thành, nối thông cầu với quốc lộ 5 và các tuyến đường khu vực đầu cầu phía Bắc.
Đối với giai đoạn 2, theo Ban Quản lý dự án đầu tư xây dựng công trình giao thông Hà Nội (chủ đầu tư), sau khi đổ xong trụ, dầm và sàn cầu, cầu Vĩnh Tuy giai đoạn 2 sẽ được thông xe vào đúng ngày Lễ Quốc khánh 2.9 năm nay.
Đại lộ Thăng Long - tuyến đường giao thông quan trọng của Thủ đô
Đại lộ Thăng Long chính thức khánh thành vào năm 2010, có chiều dài khoảng 30 km, rộng 4-10 làn xe.
Đại lộ Thăng Long được tính bắt đầu từ ngã tư giao cắt với đường Phạm Hùng - Khuất Duy Tiến - Trần Duy Hưng đi qua địa bàn các quận, huyện Bắc Từ Liêm, Nam Từ Liêm, Hoài Đức, Quốc Oai, Thạch Thất đến ngã tư giao với đường Quốc lộ 21 - đường Hồ Chí Minh.
Đây là một trong những công trình giao thông quan trọng nhất của Hà Nội, kết nối trung tâm thành phố với nhiều khu vực lân cận, mang lại sự thuận tiện cho người dân và các doanh nghiệp trong khu vực.
Hà Nội - Hải Phòng - cao tốc vùng kinh tế trọng điểm phía Bắc
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng có tổng mức đầu tư 45.487 tỉ đồng với chiều dài 105,5 km. Đây là đường cao tốc được xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A với 6 làn xe, vận tốc thiết kế 120 km/h, chiều rộng mặt cắt ngang bình quân 100 m, mặt đường rộng từ 32,5-35 m.
Ngoài ra, dự án có hơn 164 km đường gom hai bên để kết nối các đường dân sinh địa phương.
Cao tốc Hà Nội - Hải Phòng thuộc mạng lưới đường cao tốc xuyên suốt vùng kinh tế trọng điểm khu vực phía Bắc nhằm thúc đẩy, hỗ trợ các địa phương trong khu vực khai thác triệt để những tiềm năng sẵn có.
Chính thức thông xe toàn tuyến vào cuối năm 2015, cao tốc Hà Nội – Hải Phòng đảm bảo an toàn giao thông, rút ngắn thời gian lưu thông giữa các tỉnh phía Bắc.
Pháp Vân - Cầu Giẽ - cao tốc có lượng xe qua lại lớn nhất
Đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được xây dựng từ năm 1998, hoàn thành vào năm 2002. Thời điểm này, đường Pháp Vân - Cầu Giẽ được gọi là "đường khai thác theo tốc độ cao". Năm 2013, đề xuất nâng cấp đường Pháp Vân – Cầu Giẽ lên thành đường cao tốc được chấp thuận.
Cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ được nâng cấp thành cao tốc 6 làn xe và khánh thành đầu năm 2019, tổng mức đầu tư là 6.731 tỉ đồng. Pháp Vân - Cầu Giẽ là cao tốc có lượng xe qua lại lớn nhất so với các tuyến cao tốc kết nối với thủ đô. Hàng ngày cao tốc này đón trên 50.000 lượt xe.
Nhiều năm nay, phương tiện lưu thông thường xuyên bị xung đột tại nút giao Pháp Vân - đường Vành đai 3 (cả trên cao và dưới thấp) nên tình trạng ùn tắc giao thông tại cửa ngõ phía Nam Hà Nội ngày càng trở nên trầm trọng.
Do vậy, các đơn vị chức năng đang kiến nghị mở rộng làn đường cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình. Cũng trong thời gian tới, Hà Nội sẽ khởi công đường kết nối Pháp Vân - Cầu Giẽ hơn 3.000 tỉ, "giải cứu" cửa ngõ phía Nam.