Mập mờ mua cổ phần và gửi tiết kiệm
Báo Lao Động mới đây có loạt bài phản ánh về việc Tập đoàn Sen Tài Thu huy động vốn 1.021 tỉ đồng từ 463 nhà đầu tư sau đó thông báo mất khả năng thanh khoản. Trong các buổi làm việc với lãnh đạo Tập đoàn Sen Tài Thu, nhiều nhà đầu tư cũng đã chia sẻ về tình cảnh khốn đốn, gia đình tan nát, vợ chồng bất hòa sau khi trót đặt bút ký hợp đồng mua cổ phần với tập đoàn này.
Bên cạnh đó, nhiều người dân thông tin, đã bị các nhân viên của ngân hàng tư vấn mập mờ để mời chào chuyển tiền tiết kiệm từ ngân hàng về Tập đoàn Sen Tài Thu.
Như trường hợp của bà P.H.Y (Hoàn Kiếm, Hà Nội). Trước tháng 4.2021, vợ chồng bà Y có khoản gửi tiết kiệm hơn 1,3 tỉ đồng tại ngân hàng M (tên viết tắt). Sau đó, bà Y được nhân viên ngân hàng này tên là N.T.A tư vấn chuyển số tiền sang Tập đoàn Sen Tài Thu với mục đích "gửi tiết kiệm" để nhận lãi suất 12%/năm.
“Tôi rất tin tưởng N.T.A vì thời điểm đó bạn là giám đốc phòng giao dịch của ngân hàng, đã chăm sóc khoản gửi tiết kiệm của tôi từ lâu và thân thiết với gia đình. Bên cạnh đó, tôi cũng tin tưởng vào uy tín của Tập đoàn Sen Tài Thu nên đã chuyển số tiền 1,3 tỉ đồng vào tài khoản tập đoàn” - bà Y nói.
Hay như trường hợp chị Nguyễn Thị Thu, hiện đang làm nhân viên bưng bê tại một quán ăn ở quận Ba Đình (TP Hà Nội) với mức lương 5 triệu đồng/tháng. Nhìn vẻ lam lũ của người phụ nữ 32 tuổi, ít ai nghĩ đây lại là một nhà đầu tư, sở hữu đến gần 17.000 cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu với trị giá thời điểm mua vào là 2 tỉ đồng.
“Bố mẹ tôi đều bị tai biến, liệt nửa người, cả đời dành dụm được 2 tỉ đồng nhờ tôi mang đi gửi tiết kiệm vào ngân hàng T để lấy lãi trang trải viện phí, điều trị hàng tháng. Sau đó, nữ nhân viên ngân hàng này đã giới thiệu cho tôi chuyển khoản tiền qua Tập đoàn Sen Tài Thu, lấy lãi hằng năm là 12%. Cô ta nói đây cũng như một hình thức gửi tiết kiệm, chỉ có điều lãi cao hơn ngân hàng một chút, không phải ai cũng có cơ hội này vì Tập đoàn chỉ huy động số vốn rất ít”, chị Thu nói về nguồn cơn đầu tư vào Tập đoàn Sen Tài Thu.
Cũng rơi vào hoàn cảnh giống chị Thu là bà Trần Thị Hoà (75 tuổi, ở Hoàn Kiếm, Hà Nội) sở hữu 6 hợp đồng mua cổ phần trị giá 1,75 tỉ đồng tại Tập đoàn Sen Tài Thu. Khoản tiền đầu tư vốn trước đây là tiền tiết kiệm gửi tại một ngân hàng để dưỡng già, sau đó được nhân viên ngân hàng mời chào giới thiệu chuyển qua mua cổ phần tại Tập đoàn Sen Tài Thu.
“Họ dùng uy tín của bác sĩ Nguyễn Tài Thu để dụ dỗ tôi. Lãi suất giới thiệu là 12%/năm, đây là mức lãi suất không phải cao quá, chỉ hơn ngân hàng một chút nên tôi càng tin tưởng” - bà Hoà nói.
Cần làm rõ trách nhiệm của nhân viên ngân hàng
Theo Luật sư Quách Thành Lực, Giám đốc Công ty Luật Pháp trị (Đoàn Luật sư TP Hà Nội), từ phản ánh của người dân, cơ quan chức năng cần vào cuộc xác minh, làm rõ trách nhiệm của các nhân viên tư vấn ngân hàng trong việc tư vấn mập mờ để mời chào chuyển tiền tiết kiệm từ ngân hàng để mua cổ phần của Tập đoàn Sen Tài Thu.
Liên quan vụ việc tại Tập đoàn Sen Tài Thu, Luật sư Quách Thành Lực nhận định, việc không sử dụng số tiền huy động vào mục đích kinh doanh của công ty mà sử dụng vào mục đích riêng; lấy tiền của nhà đầu tư sau trả cho nhà đầu tư trước cho đến khi không thể chi trả được như cam kết đã có dấu hiệu rất rõ của hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản hoặc lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 174 và Điều 175 Bộ luật Hình sự.
Công an vào cuộc thu thập hồ sơ
Liên quan đến đơn tố cáo của các nhà đầu tư, ông Nguyễn Quốc Sơn - Phó Tổng Giám đốc Tập đoàn Sen Tài Thu - cho biết: "Cơ quan công an bao gồm C03 (Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, Bộ Công an) và Công an quận Cầu Giấy đã vào cuộc thu thập hồ sơ. Tập đoàn đã làm việc và cung cấp hồ sơ liên quan cho cơ quan công an".