Theo tờ trình số 519, toàn bộ 12 dự án này được đề xuất triển khai theo hình thức đầu tư công, sau đó, Nhà nước sẽ thu phí hoặc nhượng quyền thu phí để thu hồi vốn. Đây là điểm mới so với đề xuất của Bộ Giao thông Vận tải trước đây là chọn 4 dự án trong số 12 dự án này để đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP).
Theo đó, 12 dự án gồm: Bãi Vọt - Hàm Nghi, Hàm Nghi - Vũng Áng (thuộc Hà Tĩnh), Vũng Áng - Bùng, Bùng - Vạn Ninh và Vạn Ninh - Cam Lộ (thuộc Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị), Quảng Ngãi - Hoài Nhơn, Hoài Nhơn - Quy Nhơn, Quy Nhơn - Chí Thạnh (thuộc Quảng Ngãi, Bình Định, Phú Yên), Chí Thạnh - Vân Phong và Vân Phong - Nha Trang (thuộc Phú Yên, Khánh Hòa), Cần Thơ - Hậu Giang, Hậu Giang - Cà Mau (chạy qua các tỉnh, thành Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang, Bạc Liêu, Cà Mau) với chiều dài 729 km.
Tổng mức đầu tư của toàn bộ 12 dự án khoảng 146.990 tỉ đồng, gồm chi phí xây dựng 95.837 tỉ đồng; giải phóng mặt bằng, tái định cư 19.097 tỉ đồng; quản lý dự án, tư vấn 12.015 tỉ đồng; chi phí dự phòng 20.041 tỉ đồng.
Cũng tại tờ trình, Chính phủ đã đưa ra lộ trình 2 năm tới sẽ chuẩn bị đầu tư, giải phóng mặt bằng, tái định cư để khởi công các dự án giữa năm 2023, cơ bản hoàn thành năm 2025.
Liên quan đến 4 dự án không đầu tư theo hình thức PPP, Chính phủ nêu thực tiễn triển khai các dự án xã hội hóa trong thời gian qua gặp rất nhiều khó khăn, vướng mắc.
Giai đoạn 2017 - 2020, Chính phủ triển khai 11 dự án thành phần trên tuyến cao tốc Bắc Nam, trong đó 8 dự án PPP và 3 dự án đầu tư công. Dịch COVID-19 bùng phát khiến các ngân hàng đã dành một lượng lớn vốn tín dụng để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân nên không ưu tiên vốn tín dụng cho vay trung và dài hạn. 5 dự án thành phần là đoạn Mai Sơn - Quốc lộ 45, Vĩnh Hảo - Phan Thiết, Phan Thiết - Dầu Giây, Quốc lộ 45 - Nghi Sơn và Nghi Sơn - Diễn Châu đã phải chuyển đổi từ phương thức PPP sang đầu tư công.
Ngoài ra, 3 dự án PPP đã đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư là Diễn Châu - Bãi Vọt, Nha Trang - Cam Lâm và Cam Lâm - Vĩnh Hảo, mặc dù được đánh giá hiệu quả về tài chính, nhưng vẫn khó khăn về huy động tín dụng. Dự kiến, tổng mức vốn vay tín dụng từ các ngân hàng của 3 dự án khoảng 6.500 tỉ đồng trong số 9.000 tỉ đồng nhu cầu vốn vay (tương ứng khoảng 72%).
Theo đánh giá, các dự án đường bộ cao tốc có tổng mức đầu tư lớn, thời gian thu hồi vốn dài, trong khi nguồn thu chủ yếu để hoàn vốn từ thu phí trên đầu phương tiện. Trong quá trình thực hiện hợp đồng, doanh thu của dự án có thể bị sụt giảm do tác động của nhiều yếu tố nên các nhà đầu tư và tổ chức tín dụng đánh giá đây là lĩnh vực đầu tư không hấp dẫn, tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Cùng với đó, các dự án cao tốc PPP chưa thu hút được nhà đầu tư có tiềm lực về tài chính, việc huy động vốn phụ thuộc ngân hàng.
Chính phủ cũng cho biết đã chỉ đạo nghiên cứu phương án đầu tư toàn bộ các dự án theo phương thức PPP. Tuy nhiên, trong bối cảnh hiện nay, khả năng thành công sẽ không cao. Trường hợp không thành công, phải chuyển đổi hình thức đầu tư sẽ chậm tiến độ, không đáp ứng yêu cầu cơ bản hoàn thành toàn tuyến vào năm 2025.