Theo UBND tỉnh Quảng Ninh, quyết định trên căn cứ vào tình hình bệnh dịch đã được kiểm soát tốt ở một số địa phương trong tỉnh, đồng thời nhằm thúc đẩy các hoạt động kinh tế xã hội từng bước trở lại bình thường trong tình hình mới, tạo điều kiện thuận lợi cho nhân dân vui đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Ngoài việc dừng giãn cách đối với 2 địa phương trên, trong công điện chiều nay, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ninh cũng yêu cầu, chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào tình hình thực tế địa phương chủ động quyết định phong tỏa tạm thời hoặc giãn cách xã hội đối với các khu vực hành chính cấp xã, thôn, khu phố, tổ dân hoặc nhà dân riêng lẻ, để thu hẹp không gian kiểm soát dịch bệnh phù hợp với tình hình thực tế tại địa phương.
Trao đổi với Lao Động, ông Trương Mạnh Hùng - Chủ tịch UBND huyện Vân Đồn - cho biết, huyện chỉ dỡ bỏ lệnh phong tỏa đối với từng xã, thị trấn của đảo Cái Bầu, vốn được áp dụng từ 2.2.2021, để người dân trong nội bộ đảo có thể đi lại giữa các xã, thị trấn theo chủ trương giãn cách của tỉnh. Tuy nhiên, huyện sẽ áp dụng lệnh phong tỏa chung đối với toàn bộ đảo Cái Bầu (gồm 6 xã, 1 thị trấn) vì nguy cơ bệnh dịch còn tiềm ẩn.
Cũng theo công điện của UBND tỉnh Quảng Ninh, trừ các khu còn bị phong tỏa, giãn cách xã hội, các khu vực khác trên địa bàn tỉnh tiếp tục áp dụng các biện pháp hạn chế tập trung đông người theo Chỉ thị số 15/CT-TTg ngày 27.3.2020 của Thủ tướng Chính phủ.
Theo đó, tiếp tục dừng các hoạt động: hội nghị, hội thảo, lễ hội, chiếu phim, vui chơi giải trí... Các di tích, cơ sở tôn giáo không đón khách tham quan.
Các cơ sở kinh doanh thương mại, dịch vụ, xổ số kiến thiết, sân golf, cơ sở lưu trú, nhà hàng, quán cà phê được hoạt động trở lại, nhưng yêu cầu người tham gia phải thực hiện giãn cách tối thiểu 1m.
Các cơ sở dịch vụ cắt tóc, gội đầu được hoạt động trở lại những phải đảm bảo giãn cách về số lượng người trong cùng một lúc. Các giao dịch hành chính tại Trung tâm Hành chính công các cấp trên địa bàn tỉnh được hoạt động trở lại.