Từ năm 2020 đến nay, kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát tại các tỉnh, thành trong cả nước, tại chợ Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên), người dân đã quen thuộc với hình ảnh một phụ nữ ngoài 60 tuổi, trên tay cầm chiếc loa đi động tuyên truyền, nhắc nhở mọi người tuân thủ các biện pháp phòng chống dịch tại nơi công cộng. Bà là Phạm Ngọc Tuyết, Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, kiêm Phó Ban bảo vệ dân phố phường Mường Thanh, thành phố Điện Biên Phủ.
Đều đặn mỗi ngày, cứ chợ họp là bà Tuyết có mặt. Vật “bất ly thân” không quên mang theo là khẩu trang và chiếc loa phát thanh di động. Nơi nào tụ tập đông người, bà Tuyết đến nhắc nhở, yêu cầu giãn cách. Người nào không đeo khẩu trang, bà nhắc nhở, thậm trí mua khẩu trang phát miễn phí cho họ bằng tiền túi của mình.
Bà Phạm Thị Thoa – một tiểu thương ở chợ Mường Thanh cho biết: “Ở đây ai cũng biết bác Tuyết. Ngày nào cũng như ngày nào, nắng đã đành, mưa bác ấy cũng mặc áo mưa đi. Từ sáng sớm đến tối muộn bác ấy đi dọc chợ, điều tiết giao thông. Thấy ai không đeo khẩu trang, hoặc chỉ cần kéo khẩu trang xuống lúc nói chuyện thôi là bác ấy nhắc luôn. Chúng tôi đều biết chẳng công cán gì đâu, phải có tinh thần trách nhiệm lắm mới làm được. Thấy bác ấy thế, chúng tôi cũng hổ thẹn, nên nhắc nhở nhau tự ý thức chấp hành”.
Cũng hơn 1 năm nay, ngoài những lúc chợ họp, bà Tuyết lại kiên trì đến từng gia đình trong phố, phường để tuần tra, kiểm soát việc chấp hành các quy định của tỉnh về phòng chống dịch bệnh, rà soát, truy vết người từ vùng dịch về; đồng thời kết hợp vận động người dân quyên góp, ủng hộ tiền, nhu yếu phẩm để san sẻ với các gia đình khó khăn do dịch và tuyến đầu chống dịch.
Làm công việc chẳng giống ai, bà Tuyết cũng không ít lần bị xúc phạm, thậm chí đe dọa vì cho rằng dở hơi, làm phiền.
“Bác ấy cứ đi nhắc người ta thế, nhiều người không hiểu khó chịu đấy. Cũng vài lần bác ấy bị xúc phạm, rồi dọa đánh, nhất là khi gặp một số thanh niên thiếu ý thức” – bà Nguyễn Thị Huệ, tiểu thương tại chợ Mường Thanh cho biết.
Song không phải vì thế mà bà Tuyết chán nản hoặc dừng công việc trách nhiệm và nhiều ý nghĩa này. “Xã hội mà, sao tránh được những chuyện như thế. Mỗi lúc bị người ta phản ứng lại, tôi đều im lặng bỏ qua, hoặc chờ họ bình tĩnh để giải thích. Tôi tin, khi nghĩ lại, họ sẽ hiểu việc làm khó chịu ấy của tôi không phải vì tôi, mà vì chính họ và cộng đồng” – bà Tuyết chia sẻ.
Chợ Mường Thanh là một trong những chợ dân sinh tập trung lượng người mua và bán đông nhất thành phố Điện Biên Phủ. Trung bình mỗi ngày, nơi đây có hàng nghìn người qua lại mua bán nông sản, thực phẩm. Bởi vậy, nguy cơ lây lan dịch bệnh rất lớn.
Kể từ thời điểm tỉnh Điện Biên xuất hiện ca bệnh COVID-19 đầu tiên đến nay (5.2), Chính quyền, lực lượng chức năng địa phương đã yêu cầu, và bố trí biển báo nhắc nhở người dân nâng cao ý thức phòng dịch tại các khu vực chợ, nơi tập trung đông người. Song những biển báo này chỉ có tác dụng với những người có ý thức. “Khoảng trống” còn lại sẽ cần những người “vác tù và” như bà Tuyết để lấp đầy.