Đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh ví von: "Nha Trang lâu nay được cả nước biết đến là thương hiệu phố biển xinh đẹp, nhưng hình như những năm gần đây đang phấn đấu xây dựng thêm thương hiệu nữa. Đó là phố núi".
Theo ông Thịnh, hiện nay tại Nha Trang có nhiều dự án đã và đang san lấp núi để xây dựng nhà ở, khu đô thị.
Ông Thịnh đặt hàng loạt câu hỏi: "Những dự án đó đã được báo cáo đánh giá tác động môi trường hay không; các cơ quan có trách nhiệm đã thẩm tra, có kết luận về báo cáo đánh giá tác động môi trường như thế nào chưa; việc xây dựng nhiều dự án trên núi, giảm tỉ lệ che phủ rừng thì ảnh hưởng gì, góp phần gì vào vấn đề mưa, bão, lụt vừa qua; ý kiến của các cơ quan chuyên môn đánh giá về môi trường của các dự án trên núi chưa?".
Còn Đại biểu Đoàn Minh Long cho rằng, rất nhiều hộ dân đến chân núi xây nhà tự phát (có nơi xây cả hàng trăm căn), chính quyền địa phương lại không xử lý, nên có một cơn mưa, cơn lũ là mất người, mất nhà cửa. Theo ông Long, tình trạng này trách nhiệm của chính quyền địa phương.
"Nói xử lý thì các đồng chí bảo rất khó. Theo tôi, HĐND cấp xã, huyện có thể họp, lấy phiếu tín nhiệm. Nếu đồng chí chủ tịch xã, phường không hoàn thành tốt nhiệm vụ thì thay người người khác chứ không thể để như thế được".
Ông Lê Văn Dẽ - Giám đốc Sở Xây dựng Khánh Hòa cho biết, tại Nha Trang hiện có 7 dự án đang thi công tại triền núi, đó là chưa kể các dự án mới thỏa thuận với chủ đầu tư, mới có quy hoạch, chưa thi công.
7 dự án, đó là Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú (phường Vĩnh Hòa); Khu biệt thự nghỉ dưỡng Đồi Xanh (xã Vĩnh Ngọc); Khu đô thị sông núi Vĩnh Trung; Khu đô thị Thủ Thiêm; Trang trại Đất Lành; Khu biệt thự Haborizon Nha Trang (xã Phước Đồng)... Ông Dẽ không đi thẳng vào hàng loạt câu hỏi mà đại biểu Nguyễn Quốc Thịnh đã nêu.
Đợt mưa lũ ngày 18.11 tại Nha Trang (Khánh Hòa) cướp đi 21 mạng người, trong đó chủ yếu là do sạt lở núi. Riêng vụ sạt lở núi ở xã Phước Đồng cướp đi 11 mạng người và vụ vỡ hồ bơi vô cực của dự án Khu dân cư cao cấp Hoàng Phú làm 4 người chết, 10 ngôi nhà bị đổ sập...