Tại các buổi tiếp xúc cử tri công nhân lao động, ông Lê Văn Dũng, Trưởng đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam cho rằng, kiến nghị của CNLĐ là hết sức chính đáng, thiết thực. Trong đó, tập trung các nội dung chính: Về tuổi nghỉ hưu, quy định đóng BHXH, yêu cầu điều chỉnh Điện Bàn từ khu vực 3 lên khu vực 2 để tiền lương và tiền đóng BHXH của người lao động được nâng lên giúp người lao động an tâm gắn bó với doanh nghiệp và nội dung cuối cùng là nhu cầu vay vốn để hỗ trợ nhà ở.
Thời gian qua, hàng loạt công nhân làm đơn xin nghỉ một lần trước khi áp dụng Luật BHXH mới gây nên tình trạng thiếu hụt lao động trong các doanh nghiệp tại Quảng Nam.
Bà Nguyễn Thị Hà Na (Công ty Fashion Garment) kiến nghị: “Theo dự thảo sửa đổi Luật BHXH thì CNLĐ nghỉ một lần chỉ được nhận 50% số năm đã tham gia đóng BHXH. Điều này khiến nhiều CNLĐ lo lắng. Đề nghị các Đại biểu Quốc hội xem xét để nguyên phương án hiện nay. Tôi cũng kiến nghị nên rút ngắn thời gian đóng BHXH để được hưởng lương hưu xuống còn 15 năm sẽ hợp lí hơn đối với CNLĐ”.
Người lao động cũng cho rằng, thực tế có nhiều trường hợp CNLĐ thừa năm đóng BHXH nhưng thiếu tuổi nghỉ hưu. Trước đây, nếu lao động nghỉ hưu sớm, mỗi năm nghỉ hưu trước tuổi chỉ bị giảm 1% tỉ lệ hưởng lương hưu hàng tháng. Còn quy định của Luật BHXH hiện nay, mỗi năm nghỉ hưu sớm bị trừ 2%. Trong khi đó, số năm đóng BHXH lại tăng lên 5 năm.
Đề nghị Quốc hội xem xét hoán đổi năm đóng BHXH thừa cho số năm nghỉ hưu còn thiếu, để đảm bảo quyền lợi cho CNLĐ.
Liên quan đến gói tín dụng 120 nghìn tỉ đồng cho vay mua nhà ở xã hội, nhà ở công nhân, cử tri Huỳnh Thị Dư, (Công ty Panko) cho rằng: Chính sách cho người lao động vay vốn với lãi suất ưu đãi để mua nhà ở xã hội của Nhà nước là rất nhân văn nhưng thực tế công nhân lao động khó tiếp cận vì nhiều thủ tục, điều kiện rườm rà.
“Khi vay vốn thì yêu cầu mục đích vay vốn là để mua nhà ở xã hội, nhưng hiện cả tỉnh chỉ ở Điện Bàn là có nhà ở xã hội, nơi khác không có nên không đáp ứng được. Điều kiện tiếp theo là dùng để xây nhà, sửa chữa nhà, mà đa phần công nhân đang ở trọ thì làm sao có đất để xây nhà hay sửa chữa… Muốn đi mua căn nhà ở khu vực nông thôn cũng không thể tiếp cận chính sách vì đó không phải là nhà ở xã hội”.
Ông Phạm Trọng - Giám đốc Ngân hàng Nhà nước Chi nhánh Quảng Nam - cho biết, hiện nay về cơ chế ưu đãi chỉ có vốn của Ngân hàng CSXH, lãi suất 6%. Tuy nhiên, vốn này rất ít, chỉ xét ở một số xã, phường.
“Hiện Ngân hàng Nhà nước chỉ đạo các ngân hàng thương mại, nhất là Vietcombank, Agribank, BIDV, Viettinbank… dành gói vay khoảng 120.000 tỉ đồng để cho vay lãi suất thấp, khoảng 8,5 - 9%. Gói này dành cho đầu tư xây nhà ở công nhân, nhà xã hội, thực hiện các dự án, đảm bảo an sinh xã hội. Hiện tỉnh chưa triển khai hình thức này, nhưng thời gian tới chúng tôi sẽ nghiên cứu, tích cực triển khai” - ông Trọng cho biết.
Đối với các vấn đề về hạ tầng KCN xuống cấp, vấn đề thoát nước vào mùa mưa, đèn chiếu sáng, đèn giao thông và các công trình phúc lợi, xã hội, đại biểu Lê Văn Dũng đề nghị các địa phương và các đơn vị liên quan sớm nghiên cứu giải pháp, tập trung đầu tư đồng bộ, có hiệu quả, tạo điều kiện tốt cho cho CNLĐ.