Khẩn trương chuẩn bị phương án và các biện pháp phòng, chống dịch
Omicron là biến chủng nhiều đột biến nhất của virus SARS-CoV-2 được dự báo có thể lây lan nhanh hơn, nguy cơ tái nhiễm cao hơn các biến chủng khác. Những thông tin ban đầu cho thấy biến chủng Omicron có thể lây lan nhanh hơn 500% biến chủng Delta, dấy lên nỗi lo ngại trên toàn cầu.
Trước những lo ngại Omicron xâm nhập vào Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã yêu cầu Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục chủ động bám sát diễn biến tình hình dịch do biến chủng Omicron gây ra, khẩn trương chuẩn bị các phương án về vaccine, thuốc điều trị và các biện pháp phòng, chống dịch phù hợp với biến chủng mới của virus SARS-CoV-2.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, đến sáng 1.12, Việt Nam chưa ghi nhận ca mắc COVID-19 với biến thể này. Tuy nhiên, trước sự chỉ đạo sát sao của Chính phủ trong việc khẩn trương có biện pháp ứng phó với biến chủng COVID-19 mới, Bộ Y tế cũng đã lên kế hoạch.
Ngay sau khi có thông tin về biến chủng Omicron, để chủ động ứng phó và kiểm soát tình hình dịch COVID-19 trong nước và đồng thời ngăn chặn nguy cơ xâm nhập và lây lan của biến chủng mới Omicron vào Việt Nam từ các quốc gia đã ghi nhận và lây lan biến chủng mới, Bộ Y tế đã đề xuất Chính phủ xem xét chỉ đạo tạm dừng tổ chức các chuyến bay đến và đi từ các quốc gia: Nam Phi, Botswana, Namibia, Zimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique và tạm dừng cấp phép nhập cảnh với hành khách đến/đi về từ các quốc gia trên.
Bộ Y tế cũng đã chỉ đạo hệ thống giám sát tăng cường giám sát dịch COVID-19 nhằm phát hiện sớm những dấu hiệu bất thường của các ổ dịch COVID-19; yêu cầu các Viện Vệ sinh dịch tễ/ Pasteur chủ động thực hiện giải trình tự gene các trường hợp nghi ngờ nhiễm biến chủng mới, đặc biệt là những trường hợp có tiền sử dịch tễ về từ các quốc gia khu vực Nam Phi.
Đồng thời, Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương chủ động xây dựng kịch bản đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn cụ thể, chi tiết, khả thi và đảm bảo thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19, cần bám sát quan điểm tiếp cận toàn dân, lấy người dân và doanh nghiệp làm chủ thể, trung tâm và lấy cấp cơ sở làm nền tảng trong phòng, chống dịch.
Bộ Y tế đã chỉ đạo các địa phương tăng cường giám sát, phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc COVID-19 tại cộng đồng, các trường hợp có biểu hiện ho, sốt để kịp thời khoanh vùng, cách ly, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát rộng; đồng thời triển khai tốt các hoạt động y tế, tránh lây nhiễm chéo trong khu vực cách ly, khu phong tỏa. Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp tục khuyến cáo người dân tuân thủ thông điệp 5K để thực hiện phòng chống dịch.
Trong vấn đề đối phó với biến chủng mới Omicron, WHO cùng CDC Hoa Kỳ Khu vực Đông Nam Á và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đều nhấn mạnh đến 4 yếu tố trong việc kiểm soát và ứng phó với biến chủng Omicron, bao gồm: Tăng cường giám sát và xét nghiệm để phát hiện sớm ca bệnh có biến chủng mới Omicron; đẩy mạnh công tác tiêm chủng để bao phủ vaccine phòng COVID-19. Tăng cường hệ thống y tế, trong đó chú trọng y tế cơ sở, nhằm nâng cao năng lực ứng phó trong điều trị khi tình huống ca bệnh tăng cao, trong đó có ca bệnh mang biến chủng Omicron.
Đặc biệt, đẩy mạnh công tác truyền thông về các biện pháp phòng chống dịch, công bố thông tin rộng rãi về kết quả giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 để các nhà khoa học có thêm thông tin nghiên cứu về biến chủng mới…
Lãnh đạo Bộ Y tế cho biết, các đại diện của WHO, CDC Hoa Kỳ Khu vực Đông Nam Á và CDC Hoa Kỳ tại Việt Nam đã thống nhất sẵn sàng chia sẻ và cập nhật kết quả giải trình tự gene các ca bệnh COVID-19 để có thêm thông tin cùng tìm phương pháp ứng phó với biến chủng Omicron. Đồng thời, tiếp tục đẩy nhanh công tác tiêm chủng, ưu tiên các đối tượng nguy cơ cao và đảm bảo tiêm chủng an toàn.
Hiểu biết về biến chủng Omicron còn rất ít
Nói về biến chủng COVID-19 mới, GS.TS Nguyễn Văn Kính - nguyên Giám đốc Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương, Chủ tịch Hội Truyền nhiễm Việt Nam - cho biết, đến nay những điều thế giới biết về biến chủng Omicron này còn rất ít, chủ yếu ghi nhận ở các nước nam Châu Phi. Chúng ta thấy nó có nhiều đột biến hơn rất nhiều so với biến thể Delta, nhưng chưa có dữ liệu về dịch tễ, khả năng lây lan cũng như độc lực của virus.
"Virus luôn luôn đột biến. Vì thế thông điệp 5K bao gồm khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung và khai báo y tế là quan trọng nhất. Bên cạnh đó là vấn đề tiêm vaccine phòng COVID-19 là chìa khóa để bảo vệ người dân trước nguy cơ lây nhiễm virus" - GS Kính nhấn mạnh.
Theo GS Kính, cả thế giới hiện nay tập trung vào protein gai của virus hay spike protein. Tất cả các biện pháp phòng chống đều tập trung vào spike này, từ sản xuất các sinh phẩm để xét nghiệm đến các thuốc, đặc biệt là các thuốc kháng thể đơn dòng để trung hòa nó. Việc sản xuất vaccine cũng tập trung vào gai này.
"Bản thân spike này cũng luôn luôn đột biến, tạo rất nhiều chủng khác nhau. Hiện nay, thế giới tập trung vào 3 loại biến thể: Đáng lưu tâm, e ngại và biến thể có đột biến quan trọng. Hiện nay nhìn chung có rất nhiều đột biến xảy ra. Chủng đột biến phổ biến hiện nay, đang gây ra dịch khắp toàn cầu là Delta", GS Kính cho biết.
GS Nguyễn Văn Kính cho biết, mỗi lần virus đột biến nó lại tác động đến tần suất lan tràn. Nếu virus Vũ Hán một người lây 2 người, thì đến biến thể Delta một người có thể lây cho 9-10 người. Ngoài ra, tác động của đột biến có thể dẫn đến độc lực khác nhau, nếu độc lực mạnh hơn thì nguy cơ tử vong cao hơn. Vấn đề đau đầu, nhức óc nhất của thế giới chính là lo ngại đột biến virus sẽ chống lại khả năng bảo vệ của vaccine.
Trước đây, Việt Nam cũng ghi nhận đột biến, nhưng không lây truyền như biến thể từ Nam Phi hay Uganda (khách đến nhập cảnh được tổ chức cách ly, không lây ra cộng đồng). Chúng ta chủ yếu ghi nhận biến thể Vũ Hán đợt đầu, biến thể Châu Âu, giờ là biến thể kép Delta.
Theo Bộ Y tế, khi nhiễm SARS-CoV-2, người bệnh có các dấu hiệu là ho, sốt (trên 37,5 độ C); Đau đầu; đau họng, rát họng; sổ mũi, chảy mũi, ngạt mũi; khó thở; đau ngực, tức ngực; đau mỏi người, đau cơ; Mất vị giác; Mất khứu giác; Đau bụng, buồn nôn; Tiêu chảy. Theo những thông tin ban đầu, bệnh nhân nhiễm biến chủng mới Omicron có triệu chứng khác với biến thể Delta là cảm thấy mệt mỏi nghiêm trọng, đau đầu và đau nhức cơ thể hơn.
Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thanh Long cũng cho hay, hiện chưa có bằng chứng để kéo dài thời gian cách ly phòng chống dịch. Bộ Y tế đang phối hợp chặt chẽ với WHO, CDC trong công tác phòng chống dịch COVID-19, cũng như trong ứng phó với biến chủng mới. Người dân cần tuân thủ các quy định phòng chống dịch, tuy nhiên không nên quá hoang mang, lo lắng.