Nhiều tồn tại ở các dự án nông lâm nghiệp
Theo UBND huyện Ea Súp, hiện nay, trên địa bàn huyện có 26 dự án nông lâm nghiệp. Trong đó, có 22 dự án cải tạo rừng, trồng rừng, trồng cao su và quản lý bảo vệ rừng; 1 dự án trồng bông; 1 dự án trồng mía đường;
1 dự án trồng cây ăn quả và quản lý bảo vệ rừng; 1 dự án chăn nuôi kết hợp quản lý bảo vệ rừng.
Tổng diện tích 26 dự án nông lâm nghiệp đã được UBND tỉnh cho thuê đất, gắn với thuê rừng là 17.299,77 ha. Hiện nay, các dự án đã có quyết định thuê đất, còn 12 dự án chưa thực hiện việc thuê rừng theo quy định.
Sau khi được phép thực hiện, các chủ dự án đã triển khai đầu tư, thuê lao động tại địa phương để thực hiện dự án. Tuy nhiên, công tác quản lý bảo vệ rừng tại các công ty vẫn còn nhiều tồn tại.
Qua kiểm tra, hầu hết các công ty chưa bố trí đủ lực lượng để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, thậm chí chỉ có 1 đến 2 người tại dự án như: Công ty TNHH thương mại - dịch vụ - xuất nhập khẩu Hoàng Gia Phát; Công ty TNHH Minh Hằng; Công ty TNHH sản xuất thương mại Đức Tâm; Công ty TNHH Trồng rừng 27/7.
Tại một số dự án còn có tình trạng các cổ đông tự ý chia nhau diện tích và thực hiện dự án trồng cây ăn trái như dự án của Công ty TNHH Trồng rừng 27/7.
Ngoài vấn đề trên, theo đánh giá của UBND huyện Ea Súp, hiện nay, các dự án trồng thí điểm cây cao su trên địa bàn huyện Ea Súp không đạt hiệu quả.
Một số dự án cây cao su đã chết 100% như: Công ty TNHH Đức Tâm; Công Ty TNHH Minh Hằng; Công ty TNHH thương mại xuất nhập khấu Hoàng Gia Phát; các dự án còn lại thì cây không phát triển hoặc phát triển kém.
Không chỉ có vậy, có một số dự án buông lỏng công tác quản lý, bảo vệ để rừng bị xâm hại.
Tổng diện tích rừng suy giảm và đất rừng bị xâm canh lấn chiếm trong vùng dự án chưa được điều tra, kiểm kê và theo dõi diễn biến rừng theo quy định của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Nhận diện nguyên nhân
Theo đánh giá của UBND huyện Ea Súp, có nhiều doanh nghiệp triển khai thực hiện dự án chậm tiến độ, thực hiện sai mục tiêu so với việc đã được cấp thẩm quyền thẩm định, phê duyệt.
Thời gian qua, các doanh nghiệp bố trí nguồn kinh phí đầu tư cho công tác quản lý bảo vệ rừng chưa tương xứng với diện tích và nhiệm vụ được giao.
Đáng chú ý là việc các doanh nghiệp không bố trí đủ lực lượng để quản lý bảo vệ rừng, chưa xây dựng quy chế phối hợp với chính quyền địa phương. Thậm chí, doanh nghiệp còn có ý tưởng trông chờ, ỷ lại hoặc đùn đẩy trách nhiệm cho địa phương.
Bên cạnh đó, cũng có những doanh nghiệp không thực hiện công tác quản lý bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng ngoài thực địa; nếu thực hiện thì mang tính đối phó.
Hệ quả, tình trạng phá rừng vẫn còn xảy ra nhưng chưa được doanh nghiệp ngăn chặn, phát hiện kịp thời. Trong đó, có nhiều vụ việc phức tạp, nổi cộm tồn tại qua nhiều thời kỳ, chưa có giải pháp xử lý dứt điểm.
Bên cạnh những tồn tại, hạn chế của doanh nghiệp thì vẫn còn những nguyên nhân khách quan khác. Đơn cử như tình các đối tượng phá rừng, chiếm đất lâm nghiệp chống đối, coi thường pháp luật còn diễn ra phổ biến.
Các đối tượng phá rừng manh động, liều lĩnh, thường xuyên đe dọa, chống đối lực lượng chức năng thực hiện nhiệm vụ bảo vệ rừng kể cả có sự phối hợp của lực lượng của UBND các xã, Công an huyện khi ngăn chặn bắt giữ tang vật, phương tiện vi phạm.
Nhiều vụ việc các đối tượng vào trụ sở Trạm bảo vệ rừng của các công ty ngang nhiên cướp tang vật vi phạm, đập phá phương tiện, tài sản.
Đặc biệt, còn đánh đập, đe dọa hành hung, truy sát lực lượng bảo vệ rừng công ty. Từ đó, gây ra tâm lý hoang mang, bức xúc cho lực lượng bảo vệ rừng, nhưng chưa được xử lý.
Một nguyên nhân lớn nữa là tình trạng dân di cư tự do quá nhiều. Tính đến ngày 30.6.2022 là 1.261 hộ với 5.834 khẩu chưa được bố trí sắp xếp.
Điều này dẫn đến việc người dân tự chặt phá rừng để giải quyết các nhu cầu về đất ở, đất sản xuất...