Dòng sông “chết” giữa lòng Thủ đô
Mở quán cà phê trên đường Tả Thanh Oai (huyện Thanh Oai), từ 17h chiều, chị Lê Thị Hà phải đóng quán vì mùi hôi nồng nặc bốc lên từ sông Nhuệ, không có khách nào ngồi nổi. Hai con trai 5 tuổi và 8 tuổi của chị chân tay đầy vết muỗi đốt. Hàng đêm người mẹ 37 tuổi phải dùng vợt xua muỗi cho đứa con lớn học bài, đứa nhỏ ngồi trong màn chơi đồ chơi.
“Nhà lúc nào cũng phải xịt thuốc, đốt nhang diệt muỗi nhưng chỉ hạn chế được một phần vì muỗi quá nhiều”, chị Hà kể. Đã không ít lần, chị chứng kiến người mang rác thải vứt xuống sông. Tuy nhiên khi nhắc nhở, chị nhận được những câu nói khó chịu, thách thức của một số người.
Gần 70 năm gắn bó ở nơi đây, ông Đào Văn Cường (xã Tả Thanh Oai) tường tận từng giai đoạn thay đổi của dòng sông. Thời thơ ấu, khi nước trong xanh, ông cùng bạn bè thường tắm dưới dòng sông vào buổi xế chiều. Có người còn múc nước dưới sông về lắng phèn để sử dụng.
Ông Cường cho biết, những năm 1990 trở lại đây, dòng sông trong xanh ngày nào trở thành là nơi chứa mọi thứ rác thải sinh hoạt, đen ngòm và hôi thối. Nhiều nhà máy, xưởng sản xuất còn thải đủ thứ phẩm màu ra kênh. Nước bẩn, tù đọng khiến ruồi, muỗi, chuột sinh sôi, phát sinh dịch bệnh.
"Tôi chỉ mong dòng sông sớm được cải tạo, dù không xanh trong, mát lành như ngày xưa, nhưng phần nào đỡ ô nhiễm" - ông Cường bộc bạch.
Sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội dài 62km, đi qua 8 quận, huyện. Qua ghi nhận của Lao Động, dọc hai bờ sông đoạn chảy qua quận Hà Đông, huyện Thanh Oai, Thanh Trì... trở thành nơi tập kết rác như vải vụn, nệm cũ, xác động vật, vật liệu xây dựng...
Theo kết quả quan trắc được Tổng cục Môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) công bố hồi tháng 8.2020, sông Nhuệ đoạn chảy qua Hà Nội có bảy điểm cho chỉ số chất lượng nước (WQI) ở mức 10-25, tức ô nhiễm nặng đến rất nặng. Hai điểm cầu Tó (Thanh Trì) và Cự Đà (Tả Thanh Oai) ô nhiễm nặng nhất với chỉ số là 10.
Bao giờ dòng sông được giải cứu?
Những năm qua, TP Hà Nội đã nhiều lần đưa ra kế hoạch cải tạo chất lượng nước các dòng sông, tuy nhiên đến nay sông Nhuệ vẫn được gọi là "sông chết" do quá ô nhiễm, nước đen ngòm, bốc mùi hôi thối.
Lý giải về nguyên nhân khiến hệ thống sông Nhuệ bị ô nhiễm nghiêm trọng, lãnh đạo Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển thủy lợi sông Nhuệ cho biết, hệ thống sông Nhuệ có hơn 30km đi qua khu đô thị và ven đô thị.
Trục chính con sông là nơi tiếp nhận chủ yếu lượng nước xả thải từ hoạt động của các nhà máy, khu công nghiệp, bệnh viện, cơ sở sản xuất và dịch vụ, nước thải từ các làng nghề, hóa chất sử dụng trong nông nghiệp và nước thải sinh hoạt. Nước thải của các hoạt động này đa phần đều chưa qua xử lý mà đổ trực tiếp xuống sông.
Đặc biệt, dọc hai bờ sông Nhuệ có nhiều làng nghề truyền thống chuyên sản xuất vải, lụa, dây thừng, chế biến bún, miến, bánh đa, dong, sắn… với các công cụ thô sơ, thủ công. Hóa chất sử dụng bừa bãi. Rác bã, xỉ than không được thu gom. Nước thải không được xử lý, chảy tùy tiện xuống cống rãnh, xuống sông gây ô nhiễm môi trường, nhất là môi trường nước…
Để từng bước làm sạch dòng sông Nhuệ, bổ sung nguồn nước tưới, mới đây HĐND TP Hà Nội đã thông qua chủ trương xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc, quận Bắc Từ Liêm, giai đoạn 1 với tổng mức đầu tư hơn 4.000 tỉ đồng. Các hạng mục gồm trạm bơm, kênh lấy nước, cầu qua kênh dẫn nước, nhà quản lý.
Công trình sẽ giúp lấy nước từ sông Hồng vào sông Nhuệ với lưu lượng 70m3/s, cấp nước tưới tiêu kết hợp giảm thiểu ô nhiễm môi trường sông Nhuệ và các sông thuộc nội thành Hà Nội. Sau khi hoàn thành cả hai giai đoạn, cụm công trình sẽ đảm nhiệm việc tiêu thoát nước từ sông Nhuệ ra sông Hồng cho 9.200ha của các huyện: Đan Phượng, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, Hoài Đức với lưu lượng 170m3/s. Dự án xây dựng cụm công trình đầu mối Liên Mạc dự kiến được triển khai trong hai giai đoạn 2021-2025 và 2026-2030.