Theo chia sẻ của người dân địa phương, kênh Hòa Bình chủ yếu dẫn nước từ sông Đáy về và phục vụ tưới tiêu, sản xuất nông nghiệp...
Tuy nhiên, thời gian gần đây, hoạt động xả nước thải ra đường kênh thủy lợi nội đồng của các cơ sở sản xuất khiến nguồn nước bị ô nhiễm, ảnh hưởng đến năng suất lúa. Các hộ dân đều hoang mang và lo lắng vì thời gian tới rất cần nước để tưới tiêu cho đồng ruộng.
Ghi nhận của PV, hiện dòng nước kênh Hòa Bình đen kịt, mùi hôi thối nồng nặc, mặt nước nổi trắng rác thải, túi nilon, cá chết… Hai bên bờ kênh cũng có nhiều chất thải đóng thành tảng.
“Lúa có nhiều sâu bệnh, hạt lép. Trước đây, nếu chưa ô nhiễm, 1 sào có thể sản xuất được gần 4 tạ nhưng giờ thì chưa được 2 tạ/sào. Nhiều hộ còn không làm ruộng vì nguồn nước bị ô nhiễm”, bà H.T - người dân xã Bích Hòa chia sẻ.
Cũng theo bà H.T, do nguồn nước tưới tiêu bị ô nhiễm nên nhiều hộ dân đã bỏ hoang đồng áng vì cứ khi nào lội xuống là chân tay lại bị kích ứng, mẩn đỏ, nổi bọng nước.
Tương tự, chị T.T - người dân xã Cao Viên - cho biết những ngày nắng, nước kênh hôi thối. Mùa mưa, nước kênh không thoát được, tràn sang cánh đồng. Gia đình chị có hơn 3 sào ruộng nhưng cũng bỏ hoang gần 1 năm nay vì canh tác không hiệu quả.
“Nguồn nước ô nhiễm, lúa cấy xuống chỉ được 1 thời gian là héo quắt rồi gục xuống, không thể lên nổi. Chúng tôi cũng nhiều lần phản ánh đến chính quyền địa phương, song đến nay tình trạng này vẫn chưa được xử lý triệt để”, chị T nói.
Ngoài kênh Hòa Bình bị ô nhiễm do nước thải sản xuất công nghiệp, tại khu vực này còn xuất hiện bãi rác lộ thiên nằm trên đường dẫn vào làng Phúc Mậu, nằm cạnh khu xử lý nước thải của cụm công nghiệp Thanh Oai.
Bãi rác chủ yếu là rác thải sinh hoạt của người dân được chất cao thành đống nằm ven đường. Đặc biệt, nước chảy ra từ đống rác xuống ruộng đồng đen quánh và bốc mùi.
Trước phản ánh trên, ông Nguyễn Văn Biên - Phó Chủ tịch xã Bích Hòa - thông tin với báo chí, kênh chỉ ô nhiễm vào 2 tháng cuối năm do nước thải từ các làng nghề sản xuất miến thuộc huyện Hoài Đức gây ra, rồi chảy về đây.
Ngoài ra, hiện tượng đốt rác xảy ra do hành vi đốt trộm của một số người dân, chứ không phải do cách xử lý của chính quyền xã và đơn vị thu gom.
Xã cũng để các tấm biển nghiêm cấm vứt rác, đốt rác kèm mức phạt từ 3-5 triệu đồng nhưng không có tác dụng.