Rạch Chiếu, nằm trên địa bàn xã Đa Phước và bãi rác Đa Phước cũng nằm sát con rạch này. Rạch Chiếu từng là nơi đánh bắt cá, tôm đem lại nguồn sống chính cho nhiều hộ dân sống ven rạch.
Ông Võ Văn Sơn hành nghề chài lưới trên con rạch này hàng chục năm qua. Trước đây, chính nguồn thủy sản dồi dào đã nuôi sống cả gia đình ông gồm 2 vợ chồng và 6 người con. Theo ông Sơn, khi chưa có bãi rác Đa Phước, gia đình mình và nhiều hộ dân trong xã có nguồn thu nhập ổn định nhờ đánh bắt cá. Từ khi có bãi rác thì nguồn thủy hải sản dần cạn kiệt, nhiều hộ gia đình đã bỏ nghề.
Riêng ông Sơn vẫn bám lấy việc đánh bắt cá vì không biết chuyển sang làm nghề gì khác để sống. “Trước chưa có bãi rác Đa Phước, tôi chi cần đi một buổi sáng khoảng 3 giờ là có thể đánh bắt được cả chục kg cá nuôi sống cả gia đình 8 người, nay thì thất bại hết, kiếm tiền sống qua ngày cũng không ra”, ông Sơn nói với PV.
Gia đình anh Nguyễn Phước Sũ nuôi tôm nhiều năm qua. Diện tích 12.000m chia đều cho 3 vuông tôm là nguồn thu nhập chính cho cả nhà. Trước đây, hoạt động nuôi tôm của anh thuận lợi, tuy nhiên sau khi bãi rác Đa Phước hình thành thì nguồn nước bắt đầu ô nhiễm, gây thiệt hại đến việc nuôi tôm.
Trong năm qua, anh vay mượn cả tỷ đồng để cải tạo ao hồ, nhưng nguồn nước bị ô nhiểm nghiêm trọng khiến tôm chết hàng loạt, gây thiệt hại trên 300 triệu đồng. “Hiện nay công việc hằng ngày của tôi là lặn tìm vớt tôm chết đem đi tiêu hủy thế này", anh Nguyễn Phước Sũ buồn bã.
Nhiều hộ gia đình tại ấp 2, xã Đa Phước tham gia nuôi thủy hải sản bị ảnh hưởng nghiêm trọng, có những hộ phải bỏ ao đi làm thuê kiếm sống qua ngày. Trước đây, do lợi thế nằm cạnh con Rạch Chiếu, nên phần lớn hộ dân trong ấp đều tham gia nuôi thủy hải sản, tuy nhiên hiện nay phần lớn các hộ đã dừng nuôi, vì nuôi đến đâu thì chết đến đó.
Gia đình cụ Bùi Xe xưa này trông chờ vào ao cá rô phi, nhưng nay có nguy cơ trắng tay vì cá thường xuyên chết. Tuổi cao sức yếu, với cụ Xe nếu cá chết thì đồng nghĩa cụ sẽ thiếu đói vì hiện không có nguồn thu nhập nào để thay thế.
“Chúng tôi về hưu rồi, nhờ chỉ có ao cá này làm để kiếm ăn qua ngày, chứ già 83 tuổi rồi đâu biết chuyển nghề gì. Nhìn cá chết chỉ biết khóc, trong đêm nay có nguy cơ chết trắng ao”, cụ Bùi Xe vừa nói vừa rơi nước mắt.