Đường Hoàng Liên là tuyến phố chính, giàu có và đắt đỏ bậc nhất TP. Lào Cai, đặc biệt là đoạn cắt qua 2 phường trung tâm là Kim Tân và Cốc Lếu. Giá đất mặt đường tại đây tùy thời điểm, nhưng hiếm khi dưới 100 triệu đồng trên mỗi m2 bán ra.
Tuy nhiên, tỉ lệ nghịch với sự sôi động ấy là danh sách dài những bất động sản đang nằm im lìm, rêu mốc, vốn trước đây là trụ sở cũ của các cơ quan nhà nước.
Cụ thể ngay chính giữa đường Hoàng Liên, tại địa chỉ số 493 là trụ sở cũ của Hội Nông dân và Hội Phụ nữ tỉnh. Dù nằm ở góc ngã tư với 2 mặt tiền rộng rãi, diện tích gần 2.000 m2, nhưng cả tòa nhà đã lâu không được sử dụng.
Theo tìm hiểu của PV, từ năm 2016, UBND Lào Cai đã đem bán lại toàn bộ cả nhà lẫn đất cho một doanh nghiệp tư nhân với mức giả chỉ khoảng 17 triệu đồng/m2, sử dụng trong 50 năm.
Điều khó hiểu là sau khi mua xong khu nhà đất ở vị trí "siêu đắc địa" này, chủ nhân mới gần như bỏ không, để mặc khu nhà ngày một xuống cấp.
Cách đó không xa, áp lưng vào tòa nhà của ngân hàng Sacombank là khoảng đất trống đang được quây tôn. Đây vốn là địa chỉ cũ của Sở Ngoại vụ tỉnh Lào Cai, diện tích 736,1 m2.
Cũng với vị trí 2 mặt tiền, một mặt giáp quảng trường thành phố, người dân địa phương cho biết nếu được giao dịch, khu đất không có giá dưới 150 triệu đồng/m2. Tuy nhiên vào tháng 12.2019, khu đất này cũng được đem bán với giá khoảng 28,5 triệu đồng/m2, sử dụng 50 năm.
Tại 151 Hoàng Liên là địa chỉ cũ của Sở Công thương Lào Cai. Đây là một tòa nhà 3 tầng bề thế và một khoảng sân rộng loang lổ cỏ dại.
Họat động duy nhất được ghi nhận tai địa chỉ này là của một sạp bánh trung thu dựng trước vỉa hè. Cổng sắt đã hoen rỉ, rêu mốc bám đầy còn tòa nhà có nhiều ô kính đã vỡ nát.
Theo tìm hiểu của PV, toàn bộ khu nhà đất có diện tích gần 1.300 m2 này đã được bán lại cho một doanh nghiệp hồi tháng 6 năm ngoái với giá hơn 36 tỉ đồng, sử dụng 50 năm. Trong khi đó, chủ căn hộ ở sát bên hiện đang làm shop quần áo cho biết, nhà anh rộng 75m2, giá thị trường khoảng 8-9 tỉ đồng.
Địa chỉ 049 đường Hoàng Liên là Công ty vật tư nông nghiệp tổng hợp Lào Cai. Tại thời điểm ghi nhận, tòa nhà 2 tầng này cũng trong trạng thái cửa đóng then cài im ỉm.
Còn tại số 186 là Chi cục bảo vệ Thực vật. Người dân sống 2 bên địa chỉ này cho biết ngôi nhà từ lâu đã không được sử dụng. Rất hiếm khi thấy người lui tới.
Một tuyến phố trung tâm và sầm uất khác của TP. Lào Cai là đường Thanh Niên cũng được coi là “địa chỉ vàng” của các trụ sở bỏ hoang.
Dưới đây là những hình ảnh PV Báo Lao Động ghi nhận được trên tuyến phố này:
Liên quan đến việc định giá nhà đất công sản liệu có rẻ hơn thực tế, ông Đinh Văn Tâm (Phó Giám đốc Sở Tài chính Lào Cai) cho biết, với tư cách là cơ quan tham mưu, Sở đã thực thực hiện theo đúng các quy định.
"Đã có nhiều phương pháp xây dựng giá khởi điểm khi tổ chức bán đấu giá nhà đất công sản ở Lào Cai. Trong đó có so sánh trực tiếp với các lô ở xung quanh đã bán trước đó, có diện tích tương đồng, vị trí, mục đích sử dụng…", ông Tâm nói.
Ngoài ra vị Phó Giám đốc Sở Tài chính cũng cho rằng, nguyên nhân dẫn đến tình trạng hàng loạt nhà công sản sau khi mua, bán bị bỏ hoang là bởi doanh nghiệp khó khăn, hoặc có định hướng kinh doanh khác...
Đất "vàng" tại Sa Pa được cho thuê giá khiêm tốn
Theo tìm hiểu của PV Báo Lao Động, tại Sa Pa, nơi giá đất ở một số tuyến phố trung tâm còn cao hơn đất phố cổ Hà Nội, tình trạng bán, cho thuê đất công cũng có nhiều điều khó hiểu.
Cụ thể, những nhà đất công sản tại Sa Pa bị đem bán gồm: Trung tâm GDTX huyện Sa Pa; Đài Truyền thanh – Truyền hình huyện Sa Pa; Trụ sở UBND thị trấn Sa Pa...
Hồ sơ tài liệu thể hiện, mặc cho mức giá thị trường ở Sa Pa cao chót vót nhưng những nhà đất công sản ở đây đã được UBND tỉnh Lào Cai bán, cho thuê với giá rất khiêm tốn.