Sau hành trình dài nỗ lực học hỏi, nghiên cứu khoa học, PGS.TS Trương Thanh Hương - Giảng viên cao cấp Trường Đại học Y Hà Nội, chuyên gia Tim mạch tại Viện Tim mạch, Bệnh viện Bạch Mai - đã trở thành một trong những chuyên gia hàng đầu của ngành Y học nước nhà, có nhiều công trình khoa học nhằm cải thiện, chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Bà vinh dự nhận Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 - một giải thưởng cao quý.
Bởi mỗi người chỉ có một trái tim
Yêu thích nhãn khoa, nhưng gần 40 năm về trước, cơ duyên lại đưa cô sinh viên Trương Thanh Hương đến với Khoa Tim mạch, trở thành bác sĩ của Khoa Tim mạch khóa đầu tiên của Trường Đại học Y Hà Nội.
Nghề chọn người, dần dần, với việc học tập, nghiên cứu một cách nghiêm túc và hết trách nhiệm, ngành tim mang lại cho bác sĩ Trương Thanh Hương những điều lý thú. Qua siêu âm tim có thể nhìn thấy được hình ảnh quả tim bơm máu thế nào, van mở đóng, các dòng máu di động ra sao. Với chiếc máy siêu âm xách tay nhỏ gọn, bác sĩ Hương đi tới cộng đồng, phát hiện ra bệnh lý về tim của các em nhỏ, tiến tới là tim của những bào thai, để phát hiện tổn thương sớm nhất, từ đó có thể tư vấn cho bố mẹ các em có cách chăm sóc phù hợp.
Câu chuyện của chúng tôi với bác sĩ Trương Thanh Hương bắt đầu bằng bức ảnh mà bà cất giữ cẩn thận trong tập tài liệu, kỷ vật. Một bức ảnh đen trắng chụp từ năm 1984, khi đó, bác sĩ Hương còn là sinh viên nội trú và bệnh nhân của bà là một bệnh nhân nữ chừng 25-30 tuổi - một ca bị viêm nội tâm mạc nhiễm khuẩn. Ca bệnh được bác sĩ Hương chăm sóc tận tình, rồi món quà vô giá bà nhận được khi ấy là dòng chữ cảm ơn sau bức ảnh: “Kính tặng bác sĩ Hương. Nhờ cô chăm sóc, nay cháu sống lại rồi. Cháu Minh của cô. 25.11.1984”.
Thời gian học nội trú của bác sĩ Hương cũng là quãng thời gian bà dành trọn thời gian, tâm huyết để học tập, nghiên cứu. “Hồi đó học nội trú là phải 24/24h trên bệnh viện, các bạn còn nói đùa là nếu chưa có người yêu thì đừng yêu vội, còn nếu đã có người yêu thì chưa được cưới vì cưới và sinh con sẽ bị dừng quá trình học...” - bác sĩ Hương mỉm cười chia sẻ.
Cũng như những người làm trong lĩnh vực y tế, bác sĩ Hương trải qua những cảm giác vui buồn khác nhau, đó là cảm giác sung sướng khi cứu được người bệnh và nỗi buồn khi một người bệnh ra đi.
Chừng ấy năm tiếp xúc với quả tim, bác sĩ Hương có nhiều khi không nén nổi xúc động, đặc biệt với trường hợp người bệnh phải thay tim. “Không phải chỉ người được thay tim xúc động mà chính họ cũng mang đến cảm giác ấy cho tôi. Ca thay tim thành công, bệnh nhân khỏe lên, đi khám định kỳ, cảm giác đặt đầu dò siêu âm vào, nghe từng nhịp tim đập nhịp nhàng, khoan thai, tôi rất mừng trong lòng” - bác sĩ Hương nhớ lại.
Nhưng câu chuyện đó, với bác sĩ Hương - cũng là một khúc bi tráng, bởi vì quả tim chỉ có một. Bệnh nhân của bác sĩ Hương được thay tim, tìm lại được cuộc sống, nhưng người cho quả tim ấy, chắc chắn đã ở trong hoàn cảnh buồn. Nhưng là bác sĩ, PGS.TS Trương Thanh Hương hết sức vững vàng tiếp tục theo dõi, chăm sóc sức khỏe người bệnh.
Thấu hiểu người bệnh luôn cần bác sĩ
Một trong những công trình khoa học tiêu biểu của PGS.TS Trương Thanh Hương là nghiên cứu “Xây dựng bản đồ đột biến gene bệnh tăng cholesterol máu gia đình và đề xuất mô hình quản lý bệnh tại Việt Nam”. Công trình đã được Bộ Khoa học và Công nghệ nghiệm thu ngày 20.2.2020, cấp giấy xác nhận. Công trình xây dựng thành công mô hình sàng lọc, chẩn đoán, điều trị, theo dõi bệnh tăng cholesterol máu gia đình tại Việt Nam và chuyển giao đến các cơ sơ y tế.
Ước tính, tại Việt Nam có gần 500.000 bệnh nhân mắc bệnh này. Bệnh di truyền ảnh hưởng đến các thế hệ trong gia đình, từ người lớn đến trẻ nhỏ, cần ngăn chặn việc phát tán nguồn gene bệnh và phòng chống biến chứng gây tàn phế, thậm chí gây tử vong như nhồi máu cơ tim, đột quỵ não, xơ vữa động mạch.
Chính nhờ công trình nghiên cứu này, bệnh nhân và gia đình họ có thể tiếp cận được việc chẩn đoán, điều trị, phòng bệnh tối ưu; giảm chi phí điều trị biến chứng; bảo toàn lực lượng lao động vì biến chứng của bệnh xuất hiện ở lứa tuổi trẻ. Việc quản lý, chăm sóc bệnh lý di truyền này, bao gồm việc chăm sóc, phát hiện, chẩn đoán, chữa bệnh cho cả gia đình gồm nhiều thế hệ, góp phần giúp ổn định xã hội.
Dành nhiều thời gian, tâm sức cho công việc, nghiên cứu, cứu chữa người bệnh, PGS.TS Trương Thanh Hương ít khi nhắc đến những khó khăn riêng của bản thân mình. Bà coi những khó khăn đó là động lực để rèn luyện bản thân vượt qua.
May mắn, cả gia đình nữ bác sĩ đều làm ngành y, đều có chung một mối quan tâm là người bệnh, đều thấu hiểu, người bệnh cần bác sĩ như thế nào.
“Có những khi cả nhà đã dọn cơm ra rồi, nhưng có điện thoại gọi cấp cứu, thế là phải đi ngay. Hay bệnh viện gọi xin ý kiến, thì mình có thể nói điện thoại luôn cả bữa cơm hoặc phải đi ngay. Lúc đó, mọi người trong nhà cũng hơi trùng xuống một chút, nhưng tất đều lo, hiểu người bệnh đang đau đến mức nào. Cho nên, tất cả nhu cầu cá nhân mình không thể nào so sánh được nhu cầu của người bệnh” - bác sĩ Hương tâm sự.
* PGS.TS BS Trương Thanh Hương được Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam trao Giải thưởng Kovalevskaia năm 2020 ở hạng mục cá nhân. Giải tập thể năm 2020 thuộc tập thể nữ Viện Hóa học các hợp chất thiên nhiên, thuộc Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam với lĩnh vực chính là nghiên cứu các chất có hoạt tính sinh học từ thiên nhiên (thực vật, sinh vật biển, vi sinh vật) và ứng dụng vào thực tế cuộc sống.
* Giải thưởng Kovalevskaia là giải thưởng uy tín thường niên dành tặng cho những tập thể, cá nhân nữ khoa học có thành tích xuất sắc. Trong 35 năm qua, giải thưởng được trao tặng 20 tập thể và 49 cá nhân nhà khoa học nữ xuất sắc trên các lĩnh vực Toán, Lý, Hóa, Sinh, Nông nghiệp, Y học, Công nghệ thông tin…