Nỗi lo “sống tạm, cháy thật”
Trên địa bàn Hà Nội, không khó để bắt gặp những con ngõ sâu, chật hẹp. Thậm chí, nhiều ngõ hẹp tới mức chỉ vừa một chiếc xe máy, hai người đi bộ cũng phải lách.
Nhiều ngõ sâu, hẻm nhỏ, dây điện chằng chịt tiềm ẩn nguy cơ cháy nổ.
Sau vụ cháy thảm họa trên phố Trung Kính (phường Trung Hòa, quận Cầu Giấy) vừa qua khiến 14 người chết, 6 người bị thương và vụ cháy nhà trọ 3 tầng nằm sâu trong ngõ khu Ba La, phường Phú Lương, Hà Đông.
Các vụ hỏa hoạn đã khiến nhiều người dân sống trong những con ngõ nhỏ đang cảm thấy bất an vì hỏa hoạn hơn bao giờ hết.
“Lo lắm chứ, giờ không để ý, cẩn thận một cái là cháy ngay. Ngõ thì nhỏ hẹp, dây điện chằng chịt, đã thế giờ mùa hè nhà nào cũng bật điều hòa cả ngày, chỉ hơi chủ quan một chút cháy nổ ập đến liền. Đường ngõ ngách như này, xe máy đi vào còn khó khăn nói gì đến xe cứu hỏa” - bà Nguyễn Anh Thư (Tây Hồ) nói.
Bất an, bí bách, khó chịu là vậy, nhưng nhiều sinh viên và người lao động vẫn chấp nhận thuê, bởi "giá nhà ở các nơi đảm bảo về an toàn PCCC quá cao", "nếu không ở đây thì biết ở đâu".
Thuê phòng tại ngõ 108 Đội Cấn, Minh Phát (sinh viên năm ba Học viện Hành chính Quốc gia) tỏ ra bất an, lo lắng khi có nhiều vụ cháy xảy ra gần đây: “Mình trọ ở đây từ hồi năm nhất rồi, một phần là phòng cũng rẻ, gần khu chợ tiện cho việc sinh hoạt. Lúc đầu thuê cũng không lo lắm bởi ở khu này có mấy khi cháy đâu. Thế nhưng giờ nhiều vụ cháy liên tiếp xảy ra mình cũng rất lo. Thế nhưng lo thì cũng lo nhưng bảo tìm phòng mới hay chuyển đi cũng khó vì nhiều điều kiện không cho phép”.
Chị Nguyễn Thị Nhung (Đê La Thành, Đống Đa) cũng nhiều lần muốn chuyển trọ nhưng vì nhiều lý do nên vẫn quyết định thuê trọ tại nơi ngõ sâu: "Nhà trọ mà tôi đang ở không có lối thoát hiểm song lại ở trong ngõ, nhưng tầng tôi ở có ban công. Nếu xảy ra cháy thì tôi sẽ chạy ra ban công để đu dây sang nhà hàng xóm. Khi gần đây có nhiều vụ cháy xảy ra, tôi đã từng có ý định chuyển đi, nhưng thấy mình ở đây cũng quen rồi nên đành ở lại".
Nỗ lực hơn nữa trong việc tăng cường phòng cháy chữa cháy
Sau nhiều vụ cháy nổ liên tục xảy ra gần đây, dù bắt nguồn từ nguyên nhân nào thì phải chịu thiệt hại nặng nề cùng nỗi mất mát to lớn vẫn là người dân. Không chỉ cuộc sống của các nạn nhân bị đảo lộn, bản thân họ còn phải đối mặt với tình cảnh trước mắt khi toàn bộ tài sản, nhà cửa bị thiêu rụi. Bởi vậy việc tăng cường phòng cháy chữa cháy, nâng cao ý thức và xử lý tình huống khi hỏa hoạn xảy ra là điều vô cùng cấp bách ở thời điểm hiện tại.
Anh Phạm Văn Khang - Phó Giám đốc một công ty bất động sản chia sẻ: “Hiện tại bên tôi đã trang bị đầy đủ các thiết bị như bình cứu hỏa mini, thang dây hay lối thoát hiểm, cũng đốc thúc, yêu cầu các hộ dân, người thuê phòng tham gia vào các buổi diễn tập về phòng cháy hỏa hoạn với Công an phường. Đồng thời cũng luôn sát sao đến vấn đề tạm trú tạm vắng để khi trường hợp xấu xảy ra sẽ không bị động".
Anh Khang cho biết thêm, không chỉ trang bị các thiết bị phòng cháy chữa cháy tại chỗ, người dân nên lựa chọn các thiết bị, đồ gia dụng làm từ nhựa chống cháy, nhựa chịu nhiệt hoặc các sản phẩm có tính năng an toàn cao, tự động ngắt điện là một biện pháp cần thiết.
Hơn nữa thường xuyên chủ động kiểm tra các thiết bị điện trong gia đình cũng giúp ngăn ngừa các sự cố chập cháy không đáng có.
Hiện nay nhiều địa phương đang triển khai mô hình liên gia tự quản, xe máy chữa cháy và ôtô nhỏ. Đây là các phương tiện dễ di chuyển vào những vụ cháy trong ngõ sâu, ngõ nhỏ để xử lý ban đầu và tiếp cận hiện trường nhanh.
Sau nhiều sự cố đau lòng do hỏa hoạn, công tác kiểm tra an toàn phòng cháy chữa cháy được quan tâm. Nhiều chuyên gia cho rằng, việc quan tâm đến phòng cháy chữa cháy của không ít hộ dân mới chỉ mang tính thời điểm. Do đó, việc này cần phải được thực hiện thường xuyên, nâng cao ý thức phòng cháy hơn chữa cháy trong xã hội, nhất là những người đi thuê trọ.
Bộ Công an có hướng dẫn một số cách để thoát nạn an toàn khi có cháy xảy ra đối với nhà độc lập, các nhà ở chung cư nhiều tầng, cao tầng.
Theo Bộ Công an, đối với nhà độc lập, liền kề, để thoát nạn an toàn khi xảy ra cháy, trước hết xác định được lối an toàn ra khỏi căn nhà đang cháy.
Thông thường, các lối thoát ra nơi an toàn ở các nhà độc lập hoặc liền kề bao gồm: Lối ra cửa chính của căn nhà; lối ra cầu thang thoát nạn ngoài nhà từ các tầng; lối ra ban công hoặc lôgia; lối lên trên sân thượng hoặc lối lên mái (tầng thượng) để thoát sang công trình liền kề. Ngoài ra, đối với các căn hộ độc lập thì lối thoát nạn an toàn là qua các cửa sổ, ban công khi có các thiết bị hỗ trợ như thang, dây tự cứu hạ chậm…
Người phát hiện đám cháy đầu tiên cần nhanh chóng báo động để mọi người trong nhà biết và nhanh chóng thoát ra ngoài theo lối cửa chính của căn nhà nếu như lối này chưa bị lửa, khói bao trùm. Trong quá trình di chuyển cần bình tĩnh và thực hiện các biện pháp để tránh hít phải khói, khí độc hoặc bị lửa tạt gây bỏng hoặc cháy quần áo.
Trong trường hợp lối thoát qua cửa chính tại tầng 1 đã bị lửa, khói bao trùm thì bình tĩnh và cùng các thành viên trong gia đình suy tính, tìm lối thoát khác như: Di chuyển ra ngoài ban công và sử dụng các phương tiện như thang dây nếu có, hoặc trong trường hợp cấp thiết có thể sử dụng dây thừng hoặc các dây tự nối bằng các vật dụng như rèm, ga giường, quần, để thoát xuống dưới và ra nơi an toàn. Tuy nhiên, trước khi dùng dây để tụt xuống cần phải đảm bảo dây chắc chắn và dây phải buộc vào các cấu kiện vững chắc.
Di chuyển ra ban công hoặc qua cửa sổ và tìm cách thoát qua các nhà, công trình lân cận. Di chuyển lên tầng thượng hoặc lên mái và thoát sang các công trình lân cận nếu có thể. Trong quá trình di chuyển cần sử dụng khăn, áo thấm ướt bịt vào mũi, miệng nhằm hạn chế hít phải khói, khí độc.