Công ty hai thành viên giậm chân tại chỗ
Công ty TNHH lâm nghiệp Buôn Ja Wầm (Đắk Lắk) có 2 thành viên góp vốn, với 40 cán bộ, công nhân viên. Trong đó, tư nhân góp vốn điều lệ 66%, Nhà nước 34%. Mặc dù có đơn vị thứ 2 góp vốn nhưng thực tế chưa đóng góp cho sự phát triển của công ty.
Ông Dương Văn Sơn, Chủ tịch Công ty TNHH Buôn Ja Wầm cho biết, từ khi có sự tham gia của thành viên thứ 2, bên nắm giữ cổ phần lớn nhất đã trình phương án như chăn nuôi, trồng cây công nghiệp, kinh doanh dưới tán rừng... để phát triển kinh tế.
Mặc dù có nguồn vốn đất đai lớn, không bị tranh chấp với người dân nhưng công ty chưa triển khai được dự án kinh tế nào. So với thời còn lâm trường thì nguồn thu của đơn vị đã giảm sút mạnh, chỉ còn khoảng 2 tỉ đồng/năm từ một ít vườn cà phê và tiền ngân sách cấp giữ rừng được Nhà nước chi trả hàng năm.
Từ khi có thành viên thứ 2 góp vốn thì lương của cán bộ, công nhân, viên chức được chi trả kịp thời. Thế nhưng, việc tăng lương theo hệ số Nhà nước quy định thì vẫn chưa thực hiện được.
Hiện nay, mức thu nhập của Tổng Giám đốc công ty khoảng 10 triệu đồng/tháng, Giám đốc lâm trường khoảng 7 triệu/tháng, công nhân khoảng 4,5 triệu - 5 triệu/tháng, thực sự còn quá thấp, chưa bảo đảm đời sống của người lao động.
Theo ông Sơn, thành viên thứ 2 đang sử dụng tiền túi để trang trải, bù lỗ cho các hoạt động của công ty như đóng thuế doanh nghiệp, chi phí hoạt động bộ máy...
"Như vậy, việc thành viên thứ 2 bỏ tiền túi để trả lương cho nhân viên, nộp thuế cho doanh nghiệp không phải là sự phát triển bền vững. Bởi doanh nghiệp chỉ phát triển bền vững khi tổ chức được hoạt động sản xuất, tự nuôi mình” - ông Sơn khẳng định.
Bên cạnh đó, từ khi chuyển đổi thành Công ty TNHH 2 thành viên, đơn vị vẫn vướng nhiều về cơ chế, chính sách trong quản lý, sử dụng đất rừng.
Công ty một thành viên "tuột dốc"
Công ty TNHH MTV đầu tư phát triển Đại Thành, ở huyện Đắk Mil (Đắk Nông) từng là “cánh chim đầu đàn” thời kỳ lâm trường. Hiện nay, mặc dù đang quản lý hơn 18.000ha rừng và đất rừng, với 46 cán bộ, công nhân viên, nhưng đơn vị vẫn đang trông nhờ vào nguồn hỗ trợ của Nhà nước để cầm cự, trả lương cho người lao động.
Theo ông Phan Bá Nhã, Chủ tịch kiêm Giám đốc Công ty TNHH MTV đầu tư và phát triển Đại Thành, từ năm 2016, doanh nghiệp cải tổ lại bộ máy, củng cố mô hình tổ chức sản xuất, kinh doanh theo phương án sắp xếp, đổi mới của Bộ Chính trị, Chính phủ. Mặc dù hoạt động theo cơ chế doanh nghiệp nhưng công ty chưa có hoạt động sản xuất, kinh doanh nào đáng kể mà nhiệm vụ chủ yếu là tập trung quản lý, bảo vệ rừng.
Chia sẻ về việc làm kinh tế của đơn vị, ông Phan Bá Nhã chỉ tay về hướng dàn máy móc chế biến gỗ tiền tỉ đã “đắp chiếu” nhiều năm nay: ”Trước đây khi còn được khai thác gỗ thì đơn vị sử dụng nguồn lợi nhuận từ bán gỗ và chế biến lâm sản để đầu tư cho hoạt động quản lý, bảo vệ rừng, lương thưởng. Sau khi đóng cửa rừng, nguồn thu của đơn vị hiện nay chủ yếu là dựa vào tiền hỗ trợ quản lý, bảo vệ rừng 450 ngàn đồng/ha/năm do Nhà nước chi trả”.
Ngoài ra, hàng năm đơn vị còn có thêm khoản lợi nhuận 100 triệu đồng từ hoạt động sản xuất, kinh doanh. Tính tất cả mọi khoản, tổng nguồn thu của đơn vị khoảng 7,3 tỉ đồng. Trong khi đó, nhu cầu về chi phí để thực hiện nhiệm vụ quản lý, bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng lớn hơn nhiều. Do đó, đời sống, mức thu nhập của cán bộ, công nhân viên... thấp hơn nhiều so với thời kỳ còn lâm trường.
Chia sẻ về hoạt động kinh tế ở các công ty lâm nghiệp, ông Lê Quang Dần, Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT tỉnh Đắk Nông thừa nhận: ”Hiện nay trên địa bàn tỉnh Đắk Nông có 7 công ty lâm nghiệp đang quản lý diện tích rừng và đất rừng rất lớn. Thế nhưng, hầu hết các công ty hoạt động sản xuất, kinh doanh ít hiệu quả, chưa phát huy được giá trị kinh tế rừng, vẫn chủ yếu là quản lý, bảo vệ diện tích rừng được giao".