Chiếc bánh trứ danh
Những ngày cuối năm, chúng tôi ghé “lò bánh” của ông Trần Văn Minh ở Khu đô thị Mỹ Gia (xã Vĩnh Thái, Nha Trang) để “mục sở thị” nghề làm bánh in với mẫu mã đặc biệt, đến nay còn lưu truyền ở thành phố biển. Do nhu cầu đặt mua nhiều, gia đình ông Minh phải tốc lực làm cả ngày lẫn đêm để kịp giao hàng cho khách. Mấy chục năm qua, gia đình ông Minh vẫn lặng lẽ “đeo bám” cái nghề này.
“Tôi nuôi con cái ăn học đại học, ra trường, có công ăn việc làm ổn định cũng nhờ những chiếc bánh này đấy” - ông Minh vừa nói vừa lẹ tay nhào bột cho vào khuôn cho kịp hàng cho khách đặt ngày Tết. Theo ông Minh, trước đây mẹ ông từng phục vụ ẩm thực trong cung đình Huế. Vì thế, việc hình thành nghề làm bánh in có phần ảnh hưởng từ bà. Cũng chiếc bánh in, nhưng chiếc bánh in của người dân Nha Trang sau khi thành phẩm có mẫu mã độc đáo, cao 30-40cm, được in hoa văn, rồng phượng.
Thành phần chiếc bánh in khá đơn giản, chỉ gồm bột nếp và đường. Theo yêu cầu của khách, chủ lò bánh có thể thêm vào một ít gừng cho thơm. Chiếc bánh sau khi ra lò phải để một đêm cho cứng rồi mới có thể trang trí bằng bao bóng với đủ sắc màu. Công đoạn tiếp theo là đặt bánh lên đĩa nhựa, gắn cánh sen giấy và hoa vải trang trí. Dù thành phần đơn giản nhưng bánh in là loại bánh “khó tính”.
Theo ông Trần Văn Tuấn (Khu đô thị Mỹ Gia), công đoạn làm bánh nào cũng khó, yêu cầu người làm phải khéo tay và sáng tạo. Không chỉ vậy, chiếc bánh in còn phụ thuộc thời tiết rất nhiều. “Nếu mưa nhiều, độ ẩm cao thì bánh dễ mốc meo, còn nắng và gió khô thì không làm được. Vì thế, nếu muốn làm phải chọn nơi khuất gió và tạo độ ẩm vừa phải bột mới dẻo và đúc khuôn được” - anh Tuấn chia sẻ và cho biết thêm, nếu trời nắng thì gia chủ phải chịu khó làm sớm. Người làm bánh in cũng rất linh hoạt để đáp ứng thị hiếu của khách, như bánh bao bóng màu vàng dâng lên bàn thờ Phật, bánh bao bóng màu đỏ dâng lên bàn thờ tổ tiên...
Nỗi lo mai một
Dù đã hình thành và tồn tại mấy chục năm qua, nhưng theo thời gian, số lượng người làm bánh in ở Nha Trang cứ “rơi rụng” dần. Hiện chỉ còn vài nóc nhà còn lưu giữ nghề làm bánh in với mẫu mã độc đáo này.
“Sở dĩ tôi khó lòng bỏ nghề là vì chiếc bánh mang nét văn hóa đặc trưng riêng có của phố biển Nha Trang. Có thể nói là không nơi nào có được” - ông Minh chia sẻ. Một điều nữa mà những người như ông Minh lấy động lực níu giữ nghề là loại bánh này có sức hút kỳ lạ với nhiều người dân các tỉnh, thành mỗi dịp Tết đến, Xuân về.
“Không chỉ người dân Nha Trang ưa chuộng người dân các tỉnh, thành cũng đặt mua để dâng lên ông bà, tổ tiên trong dịp Tết cổ truyền. Có thể họ thích vì mẫu mã lạ mắt, không “đụng hàng” với bất kỳ loại bánh in nào khác” - ông Minh tâm sự. Từ ấn tượng đến tò mò, nhiều người dân ở các tỉnh, thành khi được tặng bánh liền hỏi về nguồn gốc, xuất xứ chiếc bánh.
Bà Lê Thị Ngàn (quận Liên Chiểu, Đà Nẵng) chia sẻ: “Vừa rồi, tôi được một người quen ở Nha Trang tặng vài chiếc bánh in, tôi mang lên chùa dâng lên bàn thờ Phật thì các thầy tấm tắc ngợi khen đẹp, lạ”. Tiếc là dù khá nức tiếng, nhưng nghề làm bánh in ở Nha Trang đang đứng trước nguy cơ mai một. “Tôi nghĩ rằng đây là một nét văn hóa thờ cúng ông bà, tổ tiên và cần thiết phải lưu giữ. Tuy vậy, vì nhiều lý do khác nhau, lớp trẻ bây giờ hầu như không còn ai nối tiếp cái nghề này. Nếu sau này ở Nha Trang không còn ai làm nghề này nữa thì thật là tiếc” - ông Minh trăn trở.