Tiềm năng và hiện trạng
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, vùng ĐBSCL có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng, trung tâm sản xuất lúa gạo, thủy hải sản và trái cây hàng đầu của cả nước, là khu vực có tầm quan trọng đặc biệt trong bảo đảm an ninh, chính trị, phát triển kinh tế của đất nước. Những năm qua, vùng ĐBSCL đạt nhiều kết quả tích cực trong phát triển, tuy nhiên, tốc độ phát triển hạ tầng giao thông chưa tương xứng, chưa khai thác hết tiềm năng của vùng.
Còn theo Bí thư Tỉnh ủy Long An - ông Nguyễn Văn Được, một trong những điểm nghẽn lớn nhất đối với vùng ĐBSCL là hạ tầng giao thông hiện chưa đáp ứng được yêu cầu.
Để ĐBSCL phát triển cùng cả nước, cần dành nguồn lực và tập trung ưu tiên phát triển hệ thống giao thông và cơ sở hạ tầng gắn với tầm nhìn chung của toàn vùng ĐBSCL, nhất là hệ thống đường cao tốc.
Hiện tuyến giao thông đường bộ “xương sống” của vùng ĐBSCL là Quốc lộ 1 đi từ TPHCM qua các địa phương Long An, Tiền Giang, Vĩnh Long, Cần Thơ, Hậu Giang, Sóc Trăng, Bạc Liêu và kết thúc ở Cà Mau, dài tổng cộng khoảng 400km. Trục dọc quan trọng nhất vùng cách đây không lâu còn là “độc đạo”, hiện rất nhiều đoạn chỉ có 2 làn xe ôtô, thường xuyên xảy ra ùn tắc giao thông. Song song và đi cặp bên Quốc lộ 1 là các dự án cao tốc, hiện chỉ mới lưu thông đoạn cao tốc TPHCM - Trung Lương (khoảng 40km).
Trục dọc thứ 2 (mới có cách đây khoảng 10 năm) là tuyến N2 (đường Hồ Chí Minh qua vùng ĐBSCL) chạy qua vùng Đồng Tháp Mười ở phía Tây. Hầu hết tuyến đường chỉ có 2 làn xe, nhiều chỗ đã bị hư hỏng do con đường đi qua vùng đất yếu. Trục dọc còn lại là Quốc lộ 60 bắt đầu ở Tiền Giang, qua cầu Rạch Miễu và các tỉnh Bến Tre, Trà Vinh. Hầu hết tuyến đường này cũng chỉ có 2 làn xe, qua nhiều cầu…
Còn các trục ngang có thể kể Quốc lộ 62, Quốc lộ 30, Quốc lộ 54, Quốc lộ 91, Quốc lộ 61C, Quốc lộ 63 và các tỉnh lộ. Ngoại trừ Quốc lộ 91 có 4 làn xe (nối Cần Thơ - An Giang, có thu phí BOT), còn lại hầu hết quốc lộ, tỉnh lộ trục ngang đều chỉ có 2 làn xe và chất lượng mặt đường không cao. Cả 1 vùng đất chiếm 12% diện tích và 19% dân số cả nước; đóng góp 15,4% GDP, khoảng 50% sản lượng lúa và 95% lượng gạo xuất khẩu… mà hạ tầng giao thông bộ chỉ có như thế thì quả là không thể đáp ứng được yêu cầu phát triển.
Diện mạo mới trong tương lai không xa
Theo Phó Thủ tướng Lê Văn Thành, hạ tầng giao thông có vai trò đặc biệt quan trọng để phát triển vùng ĐBSCL và ưu tiên số 1 cho phát triển kết cấu hạ tầng giao thông cho khu vực này. Muốn phát triển được vùng ĐBSCL thì việc đầu tiên là cần tập trung phát triển kết cấu hạ tầng giao thông.
Phó Thủ tướng yêu cầu Bộ KHĐT và đơn vị tư vấn lập quy hoạch vùng ĐBSCL phải đặc biệt chú trọng hệ thống hạ tầng giao thông, bảo đảm kết nối đồng bộ, thông suốt. Cụ thể, ưu tiên phát triển hệ thống đường cao tốc có ý nghĩa chiến lược của vùng.
Trước mắt ngay trong thời gian từ nay đến 2025 sẽ triển khai đầu tư các tuyến cao tốc, đồng thời mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cần Thơ, đầu tư, khai thác hiệu quả hệ thống đường bộ ven biển, cảng biển (trong đó có Cảng Trần Đề) và giao thông thủy, hạ tầng hàng không, hệ thống các công trình dịch vụ - hậu cần nhằm giảm chi phí logistic, hỗ trợ hiệu quả cho việc sản xuất, chế biến, xuất khẩu nông sản của vùng.
Bộ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Văn Thể cho biết, trong tương lai gần sẽ ưu tiên đặc biệt cho một số nhóm dự án ở vùng ĐBSCL như: Cao tốc TPHCM đến Cà Mau (trục dọc) và các cao tốc trục ngang như An Hữu - TP.Cao Lãnh, cầu Vàm Cống - Rạch Giá, Châu Đốc - Cần Thơ - cảng Trần Đề,... Cùng với đường cao tốc sẽ triển khai 7 tuyến quốc lộ trong vùng.
Như vậy có thể thấy, với quyết tâm của Chính phủ, Bộ GTVT và các địa phương vùng ĐBSCL, trong vòng 5 đến 10 năm tới, vùng ĐBSCL sẽ hoàn chỉnh tuyến cao tốc trục dọc nối TPHCM - Cà Mau. Cùng với đó là các trục dọc khác sẽ được nâng cấp hoặc làm mới như tuyến N2 (nâng cấp), Quốc lộ 60 (nâng cấp), tuyến hành lang ven biển (làm mới), tuyến nối TPHCM qua Long An đến Tiền Giang (làm mới)… Một số cây cầu lớn trên các trục dọc cũng sẽ được xây dựng như Rạch Miễu 2, Mỹ Thuận 2 (bắc qua sông Tiền), Đại Ngãi (sông Hậu), Vàm Cỏ (sông Vàm Cỏ)…
Cùng với đó là các dự án cao tốc và các quốc lộ trục ngang được làm mới hoặc nâng cấp. Khi hoàn thành, không chỉ giúp việc kết nối giao thông trong toàn vùng thuận lợi hơn nhiều mà còn tạo điều kiện để vùng ĐBSCL đầu tư các cảng biển nước sâu, giúp các tỉnh trong vùng xuất khẩu hàng hóa tại chỗ, thay vì phải đưa về TPHCM rất nhiêu khê và tốn nhiều chi phí như hiện nay.