Sâm giả, giá rẻ
Anh A Lực - người dân xã Măng Ri, huyện Tu Mơ Rông cho biết, bây giờ những loài củ giống sâm ở ngoài miền Bắc đưa vào địa bàn làm lẫn lộn. Phải là người có kinh nghiệm lâu năm về sâm mới phân biệt được đâu là củ sâm giả - thật. Bằng mắt thường rất khó biết. Đặc biệt, hiện có nhiều củ tam thất bắc, sâm Trung Quốc tràn sang. Bề ngoài cũng có từng đốt như khúc tre, có rễ, có lá giống sâm thật đến 90%.
“Sâm củ hoặc cây sâm giống từ nơi khác đưa vào địa bàn thường được bán với giá rất rẻ. Nếu sâm thật có giá trên 100 triệu đồng/kg thì sâm giả chỉ 20-30 triệu/kg. Cây sâm giống có giá 150.000-200.000 đồng/cây thì giá cây giống sâm mua bán trôi nổi ở Kon Tum hiện chỉ 20.000-30.000 đồng/cây, thậm chí còn được khuyến mãi nếu người mua nhiều. Lợi dụng phong trào trồng sâm nổi lên gần đây, và việc hạn chế thông tin của người dân miền núi, các thương lái tìm cách thâm nhập “thủ phủ” sâm để chào bán”, anh A Lực nói.
Năm 2021, Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum phát hiện các kiện hàng gói gém cẩn thận vận chuyển trên xe khách đi qua huyện Đăk Tô. Kiểm tra bên trong lô hàng có 3 thùng xốp, tổng cộng có 2kg củ và 12kg lá cây thuộc họ tam thất. Điều bất ngờ hơn là loại tam thất có hình dáng từ thân củ đến lá rất giống với cây sâm Ngọc Linh Kon Tum. Còn các sản phẩm như rượu sâm, trà sâm giả… thì cứ vài ba tháng, ngành chức năng lại phát hiện với số lượng đến cả nghìn chai, được mang đi tiêu hủy.
Sâm thật cũng cần được… xét nghiệm gen
Ông Võ Trung Mạnh - Chủ tịch UBND huyện Tu Mơ Rông - cho biết: “Khi có thông tin thương lái mua bán sâm giống không đạt tiêu chuẩn, huyện lập tức cho cán bộ đi tìm hiểu, tuyên truyền cho người dân không nên mua các giống sâm lạ, giá rẻ và xử lý, đẩy đuổi thương lái ra khỏi địa bàn. Nếu phát hiện có dấu hiệu hình sự thì chuyển vụ việc cho cơ quan Cảnh sát điều tra”.
Việc cảnh giác với các giống sâm “lạ”, sâm nhái, sâm giả được chính quyền địa phương rốt ráo triển khai, phòng chống. Thế nhưng, đầu tháng 6.2022, có gần 30.000 cây sâm Ngọc Linh bị thiệt hại do sâu bệnh. Trong đó xã Măng Ri có 20.168 cây; xã Tê Xăng có 1.900 cây và xã Ngọk Lây là 7.075 cây.
Với khí hậu miền núi đặc thù quanh núi sương lạnh, độ cao trên 1.700m so với mực nước biển, từ xưa đến nay cây sâm luôn sinh trưởng và phát triển tốt. Việc cây sâm tự nhiên nhiễm bệnh chết hàng loạt làm dấy lên nhiều lo ngại về bất cập trong quy trình chăm sóc, chất lượng sâm giống. Huyện Tu Mơ Rông phải đề nghị sở ngành có hướng dẫn các biện pháp phòng trừ sâu bệnh hại trên cây sâm Ngọc Linh để người dân chủ động phòng trừ.
Không những vậy, ông Lê Ngọc Tuấn - Chủ tịch UBND tỉnh Kon Tum đã đồng ý chủ trương trích ngân sách mua sắm máy xét nghiệm hoạt chất, gen của sâm Ngọc Linh với giá tiền tỉ.
“Tỉnh đã đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị, dụng cụ, vật tư, hóa chất... để phân tích ADN sâm Ngọc Linh và các dược liệu khác (tách chiết, nhân bản, kiểm tra, định lượng ADN). Hoạt động này nhằm phục vụ giám định, kiểm định sâm Ngọc Linh thật và giả, phân tích hàm lượng Saponin và các hoạt chất sinh học khác trong sâm Ngọc Linh”, ông Tuấn cho hay.