Hàng loạt các tỉnh, thành trong cả nước đang chuẩn bị cho cái Tết đủ đầy, cái Tết Sum vầy. Một số tỉnh trang trí đường hoa, phố đi bộ không quên trang trí những nét quê gọi là tái hiện cảnh Tết xưa ở miền quê.
Giữa bộn bề của đô thị, cảnh nấu bánh tét, quết bánh phồng, gói bành chưng… không phải ai cũng thấy, cũng biết. Tết quê, được tái hiện giữa lòng phố thị có gần như… đủ thứ. Phối cảnh gói bánh, nấu, hay trang trí bàn thờ tổ tiên cũng được tái hiện. Phong vị Tết quê được tái hiện tại Bạc Liêu có cả cây cầu khỉ, lũy tre làng, đôi trâu, cây rơm rạ...

Nhà văn Phan Trung Nghĩa cho rằng, Tết quê giữa phố là một cách để người ta lắng đọng lại một chút để nhớ về quê hương. Người Việt Nam ai cũng có quê hương, phần lớn những người sống ở thị thành hiện nay đều có gốc từ miền quê. Việc tái hiện Tết quê giữa phố là chuyện nên làm.
Vậy chẳng lẽ thị thành không có Tết? Câu hỏi này khiến nhiều người giật mình và giải thích theo nhiều cách khác nhau. Dĩ nhiên ở đâu cũng có Tết, có đặc trưng riêng. Nhưng in sâu vào kỷ niệm, nhớ nhất, dễ đồng cảm nhất là những ảnh thôn quê Việt Nam yên bình.

Theo UBND Thành phố Bạc Liêu, năm nay tổ chức hội xuân trên đường 30 tháng 4. Thành phố giao cho các phường, đoàn, hội cấp thành phố trang trí theo gian hàng Tết. Chủ đề, tái hiện cảnh Tết quê xưa. Mục đích của việc làm này là nhằm để có chỗ cho mọi người vui xuân, đón Tết. Trẻ em biết, hiểu được cảnh ăn Tết, chơi Tết ngày xưa như thế nào từ đó yêu quê hương hơn.
Ban trẻ, Nguyễn Thanh Bình cho rằng, mình sống ở thị thành, mỗi khi đến Tết rất thích đến Tết quê Thành phố Bạc Liêu vì đơn giản ở đây bạn xem được con trâu, cây cầu khỉ, gói bánh Tét…
Có thể vì vậy mà các tỉnh đều gom quê lên phố vào những ngày Tết đến xuân về. Là người “nhà quê” xin đừng buồn, bởi miền quê yên bình mùa xuân về ai cũng nhớ.