Trao đổi với Lao Động, ông Triệu Tuấn Đức – Giám đốc Chi nhánh Nam Sơn (URENCO8) cho biết, từ chiều ngày 1.7, người dân 2 xã Hồng Kỳ và Nam Sơn (huyện Sóc Sơn) chặn không cho các xe chở rác vào Khu liên hợp xử lý chất thải Nam Sơn.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên do người dân kiến nghị huyện chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ đất nông nghiệp của dự án di dân vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500 khu LHXLCT Nam Sơn từ ngày 2.7 như tiến độ đã được Thành phố chỉ đạo.
Bên cạnh đó, người dân cũng kiến nghị về hạn mức đất ở, giá bồi thường đất ở, đất vườn liền kề và xây dựng công trình trên đất thấp.
Theo ông Đức, mỗi ngày bãi rác Nam Sơn tiếp nhận 5.000 tấn rác. TP.Hà Nội cũng có chủ trương tạm gác tại các xe chở rác, bãi trung chuyển, chờ xử lý.
"Trong 3-4 ngày tới, trong nội đô vẫn đảm bảo được vệ sinh môi trường", ông Đức nói.
Cũng trao đổi về vấn đề này, ông Nguyễn Hữu Tiến-Tổng giám đốc Công ty Môi trường đô thị Hà Nội (Urenco), cho biết sau khi người dân chặn xe không cho chở rác vào bãi rác Nam Sơn, công ty đã báo cáo cơ quan chức năng của TP.Hà Nội.
Bên cạnh đó, công ty dự kiến sẽ đưa rác đến tạm trữ tại hai khu xử lý rác ở Cầu Diễn và Lâm Du chờ xử lý.
Trước đó, như Lao Động đã đưa tin, giữa tháng 1.2019, người dân tại khu vực khu liên hiệp xử lý rác thải Nam Sơn chặn, không cho các xe chở rác đi vào. Việc này khiến nhiều quận nội thành bị ùn ứ, tồn đọng lượng rác lớn, chất thành đống ngổn ngang.
Nguyên nhân của việc này liên quan đến vấn đề tiến độ giải phóng mặt bằng, đền bù chậm cho những người dân sống xung quanh bãi rác Nam Sơn. Sau khi người dân được tuyên truyền và hiểu rõ vấn đề, họ đã không tập trung tại khu vực này nữa.
Vừa qua, UBND TP Hà Nội ban hành văn bản số 194/UBND-GPMB giao nhiệm vụ cụ thể việc thực hiện công tác giải phóng mặt bằng vùng ảnh hưởng môi trường bán kính 500m Khu Liên hợp xử lý chất thải Sóc Sơn.
Kỳ họp HĐND thành phố Hà Nội đã thông qua Nghị quyết quy định mức hỗ trợ bằng tiền đối với người dân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường khu vực xung quanh các khu xử lý chất thải rắn bằng phương pháp chôn lấp trên địa bàn thành phố.
Theo đó, đối với cá nhân trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường từ 0m đến 150m được hỗ trợ 133.000 đồng/người/30 ngày, từ 150 – 300 mét được hỗ trợ 106.000 đồng/người/30 ngày; từ 300m đến 600m được hỗ trợ 84.000 đồng/người/30 ngày; từ 500 – 600 mét được hỗ trợ 80.000 đồng/người/30 ngày; từ 600 – 800 mét được hỗ trợ 54.000 đồng/người/30 ngày; từ 800m – 1000m được hỗ trợ 27 nghìn đồng/người/30 ngày.
Đối với trường hợp có đất canh tác trong phạm vi vùng ảnh hưởng môi trường, nghị quyết HĐND quyết định diện tích đất từ 0 – 500 mét được hỗ trợ 170đồng/mét vuông/ năm; đối với khoảng cách từ 500 m- 1000m, hỗ trợ 102 đồng/mét vuông/năm.